Sáu tháng xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng.
"Nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, thật khó để mọi thứ tốt lên. Tôi nghĩ nồi nước đang sôi sùng sục và sẽ ngày càng tệ hơn theo thời gian" - Chuyên gia Hassan El-Tayyab về chính sách Trung Đông tại tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái Friends Committee on National Legislation).
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Y tế Gaza, từ khi xung đột bùng phát, đã có hơn 32.500 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng và gần 75.000 người bị thương. Cuộc chiến đã đẩy 85% trong số 2,3 triệu dân Gaza phải di tản, chịu cảnh thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men. 60% cơ sở hạ tầng ở Gaza bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn.
Về phía Israel, cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas vào miền Nam Israel làm hơn 1.200 người chết và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Đến nay, 134 con tin Israel vẫn đang kẹt ở Gaza, theo tờ The Times of Israel.
Bất chấp những con số khủng khiếp về thương vong dân thường, giao tranh vẫn tiếp diễn từng giờ. Theo số liệu do lực lượng Phòng vệ Israel công bố cuối tháng 3, kể từ khi bắt đầu chiến dịch, Israel đã thực hiện hơn 31.000 đợt không kích và triệt hạ hơn 13.000 trong số khoảng 30.000 chiến binh Hamas. Israel đã càn quét hầu hết Dải Gaza và đang lên kế hoạch tiến vào TP Rafah (cực Nam Gaza) - nơi được xem là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi duy nhất chưa bị Israel tấn công quy mô lớn.
Dù vậy, Israel đến nay vẫn chưa thể tiếp cận các lãnh đạo cấp cao Hamas dù đã mất khoảng 300 lính. Chiến dịch đổ bộ của Israel đang có dấu hiệu chững lại. Nước này gần đây đã trở lại tấn công một số khu vực ở miền Bắc Gaza - nơi Israel tuyên bố đã hoàn thành các mục tiêu hồi tháng 1.
Trong khi đó, Hamas vẫn cầm cự được sang tháng thứ bảy. Tờ National Interest dẫn tính toán từ nhiều chuyên gia an ninh rằng ngoài các tiểu đoàn đang hoạt động ở TP Rafah thì Hamas vẫn còn một số tiểu đoàn đang dần hồi phục ở phía Bắc Gaza. Bên cạnh đó, năng lực rocket của Hamas vẫn chưa cạn kiệt. Hôm 25-3, Hamas đã nã rocket vào hai TP Ashdod và Ashkelon của Israel sau gần hai tháng im hơi.
Hệ lụy sâu rộng
Sáu tháng giao tranh gây hậu quả nặng nề cho các bên tham chiến. Theo số liệu do Cục Thống kê Trung ương Israel công bố hồi giữa tháng 2, nền kinh tế Israel suy giảm gần 1/5 trong ba tháng cuối năm 2023, đánh dấu mức sụt giảm cao nhất kể từ đại dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất cũng bị trì trệ do thiếu lao động (lao động Israel phải phục vụ trong quân đội, lao động nước ngoài về nước do lo ngại chiến tranh).
Xung đột khiến uy tín của Israel sụt giảm. Gần đây, nhiều quan chức Mỹ bao gồm trợ lý ngoại trưởng Bill Russo và cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo nguy cơ uy tín của Israel sẽ bị “tổn thất lớn, mang tính thế hệ” do tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.
Với Palestine, trung tâm nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) ước tính cuộc chiến khiến hoạt động kinh tế của người Palestine giảm xuống chỉ còn 1/3, do cơ sở hạ tầng bị tàn phá, các hạn chế thương mại gia tăng và vướng rào cản việc làm từ Israel. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột này có thể làm suy yếu hy vọng thành lập một nhà nước Palestine độc lập vì khả năng hội nhập vào cộng đồng kinh tế quốc tế của Palestine đang sụt giảm nghiêm trọng.
Cuộc chiến Israel - Hamas cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình chính trị ở Trung Đông và toàn cầu. Ở cấp độ khu vực, việc các nhóm như Hezbollah (Lebanon), Houthis cùng các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria tham gia vào xung đột đã đẩy tình hình Trung Đông nóng hơn bao giờ hết. Không dừng lại ở đó, cuộc chiến cũng lôi kéo những nhân tố bên ngoài can thiệp vào khu vực, đơn cử là các trận chiến giữa Houthis với Mỹ, Anh, Pháp từ đầu năm nay.
Ở cấp độ toàn cầu, bùng phát trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật vã tìm cách phục hồi sau dịch COVID-19 và ứng phó với tác động từ xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Israel - Hamas như một đòn giáng vào nền kinh tế thế giới. Dễ nhận thấy cuộc chiến đã đẩy giá năng lượng tăng cao, làm suy yếu thị trường tiền tệ và chứng khoán do tâm lý e ngại của các nhà đầu tư.
Các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis (Yemen) vào tàu thuyền qua Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hamas làm gián đoạn tuyến vận tải biển trong khu vực, đẩy chi phí vận tải lên cao. Theo trang tin Bloomberg, sau một tháng kể từ các cuộc tấn công của Houthis, giá cước vận chuyển hàng hóa qua đường biển từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng 173%, từ châu Á đến Mỹ tăng 55%.•
Đàm phán tích cực song vẫn chưa có kết quả
Một điều được nhìn nhận là suốt nửa năm qua, công tác đàm phán vẫn được duy trì song song xung đột. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn chưa có vì hai bên chưa thể thỏa hiệp các khác biệt quan điểm.
Thành tựu đáng chú ý nhất của các nhà hòa giải là thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11-2023 giúp trao trả tự do cho hơn 100 con tin Israel và 240 người Palestine bị Israel giam giữ. Hôm 29-3, sau vài ngày ngưng trệ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phê chuẩn cho phái đoàn Israel đến Qatar và Ai Cập để tiếp tục đàm phán, hãng Reuters đưa tin.
Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hạ nhiệt xung đột. Từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm lời kêu gọi ngừng bắn được các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như tổ chức quốc tế đưa ra. 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua hai nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau bốn lần vướng phủ quyết, nghị quyết “kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin vô điều kiện” cuối cùng cũng được thông qua hôm 25-3.