Nước mắt làng cá bè trên sông Đồng Nai

Cá bỗng dưng lăn ra chết hàng loạt, nổi kín cả mặt nước, thiệt hại nhiều tỉ đồng khiến người dân chỉ biết khóc ròng. Một không khí u buồn, ảm đạm bao trùm cả làng cá bè. Đó là ghi nhận thực tế của Pháp Luật TP.HCM vào ngày 5-1 tại làng cá bè trên sông Cái (đoạn đi qua phường Tân Mai và xã Hiệp Hòa thuộc TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Điêu đứng vì cá

Ngồi ném thức ăn xuống bè để kiểm tra lượng cá còn sót lại nhưng không thấy con nào nổi lên, ông Nguyễn Văn Dương, một người dân nuôi cá ở xã Hiệp Hòa, buồn rầu nói: “Thế này thì tết năm nay gia đình chúng tôi trắng tay rồi. Trong bè còn khoảng
200 kg cá còn sống nhưng cũng đang có biểu hiện đuối sức và chết dần”. Ông Dương có 16 ô nuôi cá trắm, chép, điêu hồng... đang được chăm sóc “nước rút” để bán vụ tết thì cá nổi lên chết toàn bộ. Chỉ trong hai ngày, gia đình ông đã vớt gần 15 tấn đem đi thiêu hủy. “Tôi đang nợ gần 500 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, giờ biết lấy gì trả đây” - ông Dương ứa nước mắt nói.

Tương tự, hơn chục tấn cá điêu hồng chuẩn bị thu hoạch của ông Trần Văn Lợi (51 tuổi) cũng đã chết trắng. Ông Lợi cho biết trong số hàng chục bè cá mà gia đình ông nuôi có hai bè cá trắm hai năm tuổi để bán dịp tết nhưng rạng sáng 4-1, gần 10 tấn cá (3 kg/con) bị chết hàng loạt. Ông Lợi chỉ còn cách vớt lên bờ bán cho những hộ chăn nuôi heo với giá chưa đến 3.000 đồng/kg.

Còn ông Nguyễn Đình Thanh, một người dân nuôi cá gần ông Lợi, nói trong nước mắt: “Gia đình tôi có gần chục bè nuôi trên 10 tấn cá trắm, chép. Cá đang bước vào giai đoạn cuối vụ, chuẩn bị thu hoạch nhưng chết toàn bộ. Hiện giá cá thịt thị trường khoảng 120.000 đồng/kg, ước tính thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng”.

Ngày 5-1, để vớt vát chút vốn, nhiều người chọn những con còn tươi bán cho người có nhu cầu. Bình thường mỗi ký cá chép, trắm, điêu hồng giá 50.000-80.000 đồng nhưng cá chết chỉ bán được khoảng 2.000 đồng/kg. Có người cho cá vào bao tải rồi chở đến các bãi đất trống thiêu hủy để tránh ô nhiễm môi trường. Có một số hộ vứt từng bao tải xuống sông khiến cả một đoạn sông bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Trong một đêm, cá bè chết hàng loạt nổi trắng mặt nước. Ảnh: TIẾN DŨNG

Cá lớn nặng hàng ký cũng chết. Ảnh: TIẾN DŨNG


Người dân vớt cá đem đi tiêu hủy. Ảnh: TIẾN DŨNG

Thiệt hại hàng tỉ đồng

Theo người dân làng bè, hiện tượng cá chết bắt đầu xảy ra từ gần một tuần nay, ngày càng nặng nề. Lúc đầu tai họa xảy ra ở phía đầu làng bè thuộc phường Tân Mai, đến nay đã lan ra đến cuối khu làng bè thuộc xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa). Cá bỏ ăn và nổi lên mặt nước từ đêm 3-1, đến rạng sáng nay thì chết hàng loạt, nổi kín mặt nước. Ước tính lượng cá chết lên đến con số hàng chục tấn, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Nhiều người nghi ngờ cá chết do nước sông bị ô nhiễm bởi không những cá trong bè mà cá tự nhiên ở sông cũng chết trắng, trôi dạt khắp nơi.

“Ngày 3-1, nguồn nước tại nhánh sông Đồng Nai có màu đen và mùi hôi khó chịu. Khi thấy nước chuyển màu đen, chúng tôi bắt đầu lo sợ. Đến đêm thì cá trong bè đớp khí, bơi chậm. Nghĩ chúng thiếu khí ôxy nên cả gia đình phải dùng bình sục khí, dội nước tạo bọt. Nhưng đến rạng sáng 4-1 thì cá bắt đầu chết và chỉ trong một thời gian ngắn cá chết nổi kín cả mặt nước” - bà Nguyễn Thị Giang buồn rầu kể.

Chất lượng nước ngày càng xấu

Chiều 5-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Phạm Thị Kiều Diễm, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng và phát triển thủy sản, Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cho biết cơ quan này đã tiến hành đo mẫu nước tại hiện trường để phân tích một số chỉ tiêu môi trường. “Theo quan sát của chi cục, trước khi cá chết có biểu hiện lờ đờ, nổi đầu. Chất lượng nước ngày càng có chiều hướng xấu hơn thời điểm ba ngày trước. Chúng tôi nhận định cá chết do hàm lượng ôxy trong nước giảm thấp, gây bất lợi cho cá, tôm” - bà Diễm nói.

Theo bà Diễm, việc suy giảm mạnh nồng độ ôxy có thể do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm hữu cơ sinh học, ô nhiễm hóa học, biến đổi đột ngột của thời tiết ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy. Do vậy vào thời điểm giao mùa, để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra, chi cục khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại thức ăn tự chế, tăng cường các chất hỗ trợ, sục nước để cung cấp ôxy cho cá…

_____________________________________

Ông Lê Văn Trung, Chánh Văn phòng UBND TP Biên Hòa, cho biết UBND TP Biên Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xuống hiện trường thống kê thiệt hại của người dân và tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Sau khi có báo cáo của các cơ quan chức năng, UBND TP Biên Hòa sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người dân có cá bị chết. Ngoài ra UBND TP Biên Hòa cũng đề nghị Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai nhanh chóng điều tra xem nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới