Nguyên nhân, người Nhật chỉ chấp nhận đầu tư nếu như Hà Nội bao tiêu toàn bộ sản lượng 300.000 m3 nước/ngày đêm (tương đương với công suất của Công ty Nước mặt sông Đuống hiện nay) với giá 17.000 đồng/m3. Nhưng UBND Hà Nội không thể giải quyết được bài toán giá thành này nên quyết định không đầu tư.
Sau đó, Công ty Aqua One đã thế chân nhà đầu tư Nhật khi có sự cam kết của UBND Hà Nội chấp nhận mức giá là 10.246 đồng với tổng mức đầu tư là 5.000 tỉ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Mới đây, để lý giải tại sao việc xác định giá tạm tính tối đa 10.246 đồng/m3 cho Nhà máy Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết: Trên cơ sở những nguyên tắc tính toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT thì tính ra mức 10.246 đồng và mức này chỉ là tạm tính tối đa. Còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và quyết toán chính thức, lúc đó các khoản chi phí sẽ được xác định chính thức.
Ngoài ra, vị đại diện Sở Tài chính Hà Nội có đề cập đến nguyên nhân chi phí lãi vay ảnh hưởng khi nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương đương gần 4.000 tỉ đồng. Theo báo cáo của công ty, riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho biết chưa từng thấy một dự án nào mà để người dân gánh chi phí lãi vay cao như vậy. Như vậy, cần phải có kiểm toán để xem xét lại toàn bộ tổng mức đầu tư cũng như các chi phí hợp lý trước khi đưa ra mức giá nước đúng.
Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống, cho biết: Mức giá 10.264 đồng là được tính từ tổng mức đầu tư 5.000 tỉ đồng với công suất 300.00 đồng/m3 và với mức giá này mới thu hồi đủ vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Định, hiện Hà Nội mới đưa ra mức tạm tính là 7.700 đồng và hiện nhà máy cũng đang bán mức giá này. Còn để có được mức giá 10.246 đồng thì kiểm toán sẽ vào rà soát lại toàn bộ tổng chi phí đầu tư có đúng và hợp lý không; liệu nhà máy có cắt bớt quy trình để giảm chi phí không... Nếu họ xác định nhà máy tính đúng tổng mức đầu tư thì mới có mức giá bán là 10.246 đồng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Nếu như kiểm toán đánh giá tổng mức đầu tư không đến 5.000 tỉ đồng, không thể trả giá nước 10.246 đồng thì sông Đuống tính toán ra sao? Ông Định khẳng định rằng sẽ chấp nhận ý kiến của kiểm toán.
Ông giải thích thêm: Tổng mức đầu tư 5.000 tỉ đồng để có giá là 10.246 đồng nhưng bây giờ nếu kiểm toán cho rằng sông Đuống chỉ đạt tổng mức đầu tư là 4.500 tỉ đồng và đưa ra mức giá nước hợp lý với tổng mức đầu tư này thì sông Đuống chấp nhận theo đó. Như vậy, để thu hồi vốn, sông Đuống phải khấu hao nhà máy lâu hơn.
Theo một nguồn tin, hiện tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 đang nhận nước từ sông Đuống để phân phối cho khách hàng nhưng Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội chỉ tạm thanh toán 3.656 đồng/m3, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 chỉ tạm thanh toán 2.981 đồng/m3.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cũng khẳng định: "Thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan" .