Lĩnh vực nước sạch đang thu hút ngày càng nhiều các đại gia tham gia do biên lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi không hề đơn giản mà chỉ dành cho những doanh nghiệp sở hữu nguồn tiền cực lớn.
Nhiều đại gia nhảy vào ngành nước sạch
Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống vừa có sự thay đổi cổ đông. Đó là sự xuất hiện của nữ tỉ phú Thái Lan là bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA. Đây là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan.
Theo tạp chí Forbes, nữ tỉ phú Jareeporn Jarukornsakul đang xếp thứ 35 người giàu nhất Thái Lan với tổng giá trị tài sản lên đến 865 triệu USD. Bà cũng là một trong những phụ nữ quyền lực bậc nhất tại Thái Lan.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Thái Lan, nữ tỉ phú này đã quyết định chi hơn 2.000 tỉ đồng để nắm giữ 34% cổ phần của Sông Đuống. Sau thương vụ này, nữ tỉ phú Thái Lan trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Sông Đuống. Tập đoàn WHA của nữ đại gia Thái Lan khẳng định thương vụ mua cổ phần Sông Đuống là bước đi quan trọng của công ty trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ nước sạch ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Theo một số chuyên gia, sự góp mặt của các đại gia trong ngành nước, bao gồm cả đại gia nước ngoài là có lý do. Trước hết, lợi nhuận khá ổn định. Thứ hai, Việt Nam khá thông thoáng trong việc xã hội hóa lĩnh vực nước sạch. Trước đây Nhà nước sở hữu các công ty nước sạch với lý do đảm bảo an sinh nhưng nay không còn nắm giữ quyền chi phối mà bắt đầu thoái vốn cho tư nhân tham gia. Qua đó vừa tạo sự minh bạch, cạnh tranh và có tài chính ngoài ngân sách để đầu tư mở rộng cung cấp nước sạch.
Chẳng hạn, Công ty Nước sạch Sông Đà đang thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) với lần lượt tỉ lệ sở hữu là 61% và 36%. Hai vị đứng đầu hai ông lớn này đều là những người nằm trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam. Cụ thể, lãnh đạo Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, còn REE là người phụ nữ quyền lực Nguyễn Thị Mai Thanh đang giữ vai trò chủ tịch HĐQT.
Đáng chú ý, REE hiện là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nước sạch. Công ty này đã bỏ nguồn vốn rất lớn đầu tư dài hạn vào ngành nước, từ mua cổ phần chi phối cho đến xây dựng các nhà máy nước và đang hưởng lợi lớn. Riêng năm ngoái REE đã thu về hơn 1.500 tỉ đồng từ đầu tư nước sạch, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Hiện công ty này đang nắm trong tay tám nhà máy nước. Bà Mai Thanh tiết lộ với năng lực tài chính mạnh, đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.
Một tay chơi lớn khác trong ngành nước là Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai. Hiện nay công ty này đang sở hữu chi phối hay sở hữu tỉ lệ lớn cổ phần tại các nhà máy nước, hệ thống mạng lưới cấp nước trải dài trên 11 địa phương. Công ty có tham vọng doanh thu riêng trong lĩnh vực nước đạt 850 tỉ đồng cho năm nay.
“Khác với lĩnh vực điện, vốn có cơ chế giá khá cứng nhắc thì giá nước lại do từng địa phương quyết định. Nhìn chung là có cơ chế giá khá thoáng và nhiều ưu đãi về thuế, đất, vốn tín dụng,… cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi được vốn, có lời. Chính điều này đã khuyến khích ngày càng nhiều đại gia tham gia đầu tư ngành nước” - một chuyên gia phân tích.
Nhà máy nước Sông Đuống (ảnh lớn). Nữ tỉ phú Thái Lan Jareeporn Jarukornsakul vừa mua cổ phần Sông Đuống. Ảnh: TL
Cuộc chơi không dễ
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nước sạch không phải là bài toán dễ ăn. Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Tập đoàn Aqua One kiêm Chủ tịch Công ty Nước mặt Sông Đuống, hiện nay Nhà nước quy hoạch vùng cấp nước cho các nhà máy nên không có sự cạnh tranh và cho phép doanh nghiệp có một khoản lợi nhuận nhất định. Song việc thu hồi vốn từ đầu tư nước rất lâu, thường kéo dài hơn 10 năm nên chỉ cần một tính toán không chính xác là đẩy doanh nghiệp vào rủi ro tài chính.
“Xây dựng nhà máy và công nghệ xử lý nước không tốn quá nhiều tiền, chiếm khoảng 15%-20% tổng đầu tư dự án. Tiêu tốn nhiều tiền nhất chính là xây dựng hệ thống ống nước truyền tải. Ví dụ, trước đây đã có đơn vị tham gia đầu tư vào Sông Đuống nhưng không thể giải quyết bài toán chi phí và lợi nhuận nên không thể tiến hành xây dựng. Chúng tôi là người thế chân họ do có nguồn lực và các đối tác nước ngoài cùng hỗ trợ. Đầu tư vào lĩnh vực nước không dễ” - bà Liên chia sẻ.
Thực tế, sự rủi ro luôn hiện diện với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Mới đây nhất, Sông Đà đối diện với cuộc khủng hoảng nước bẩn làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và buộc đơn vị này phải miễn phí nước một tháng cho những người dân bị ảnh hưởng. Một tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho thấy Sông Đà vốn đóng góp 18,6%, tương đương 143 tỉ đồng cho lợi nhuận sau thuế năm 2019 của GEX và REE là 5%. Do đó, trước sự cố nước bẩn, dự báo lợi nhuận năm nay của hai công ty này phần nào sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai, cũng cho biết công ty có hai nhà máy nước ở Bắc Giang và Long An do mới đưa vào khai thác nên chưa thể có lời ngay vì khấu hao, chi phí lãi vay lớn, tỉ lệ khai thác công suất chưa cao. “Dự án nước thông thường mất 4-5 năm đầu lỗ và thời gian thu hồi vốn kéo dài 8-10 năm. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh hợp nhất của chúng tôi” - ông Độ thừa nhận.
Sau thương vụ nữ tỉ phú Thái Lan chi tiền khủng mua cổ phần, hiện nay cơ cấu cổ đông của Sông Đuống đã có sự thay đổi. Theo đó, Công ty cổ phần Nước Aqua sở hữu 51%, nữ tỉ phú Thái Lan là cổ đông lớn thứ hai với tỉ lệ sở hữu 34%. Đáng chú ý, ngoài khoản đầu tư vào Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, tập đoàn của nữ tỉ phú Thái Lan Jareeporn còn sở hữu khoảng 41% cổ phần tại Công ty cổ phần Cấp nước Cửa Lò. Còn Aqua One hiện đầu tư hàng loạt nhà máy nước sạch lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó phải kể tới Nhà máy Nước mặt Sông Hậu, Nhà máy Nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình... |