Cả bốn lá phổi đều tự phát triển những mạch máu của chúng sau khi được cấy ghép. Đây là một thành tựu vô cùng ý nghĩa mở ra nhiều hy vọng điều trị cho các bệnh nhân trong tương lai, The Daily Mail đưa tin.
Sau khi cấy ghép lá phổi này vào những con heo được dùng để thí nghiệm hôm 1-8, kết quả cho ra rất khả quan bởi những lá phổi đã phát triển rất tốt.
Quy trình sinh học sử dụng một loạt các thiết bị phức tạp trong nuôi cấy phổi heo. Ảnh: Daily Mail.
Khung đỡ nội tạng là thứ thiết yếu để tạo nên một lá phổi mới với tất cả các bộ phận cấu thành, và chỉ hoạt động tốt nhất khi được cấu tạo từ các protein phổi. Tuy nhiên, con vật nhận tạng có thể bị đào thải bộ phận cấy ghép nếu trên nó còn lưu lại những dấu vết của con vật cho tạng. Do đó, các nhà khoa học đã làm sạch các tế bào của khung đỡ bằng một quá trình khử tế bào.
Cuối cùng, họ đặt khung đỡ này vào một cái thùng và ngâm chúng trong hỗn hợp các tế bào và chất dinh dưỡng của con heo nhận tạng. Sau hai tuần cấy ghép, các nhà khoa học nhận thấy nhiều mạch máu đã phát triển trong lá phổi để thực hiện chức năng vận chuyển máu và ôxy đến các tế bào khác trong cơ thể.
“Chúng tôi không thấy có dấu hiệu phù nề phổi thường thấy ở những con heo được cấy ghép do hệ thống mạch máu không đủ trưởng thành” - tiến sĩ Cortiella cùng đồng sự tiến sĩ Joan Nichols, chia sẻ với Daily Mail.
Các nhà khoa học đã thiết lập một loạt thiết bị phức tạp trong phòng thí nghiệm của họ ở Galveston để rửa và phát triển phổi bằng cách sử dụng 'cocktail' giữa tế bào và chất dinh dưỡng của chính vật nhận. Ảnh Đại học Texas Medical Branch tại Galveston.
Đây là một bước tiến quan trọng mở ra những cơ hội mới trong việc nuôi cấy phổi và tạo thêm nguồn tạng cho những người bệnh đang chờ cấy. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thử nghiệm ở số lượng lớn hơn và bốn con heo nói trên cũng cần phải được kéo dài sự sống và theo dõi lâu hơn nữa để chứng minh phổi cấy thực sự sống được.
Theo Mạng lưới chia sẻ tạng UNOS (Mỹ), hiện có khoảng 1.455 người đang nằm trong danh sách chờ phổi. Việc cấy ghép phổi có thể cứu sống hàng ngàn người mỗi năm. Tuy nhiên, không có đủ nguồn tạng và hầu hết các bệnh nhân chết trước khi có nguồn tạng hiến tặng.
Những lá phổi được nuôi cấy và phát triển thành công từ các tế bào của bệnh nhân mở ra nhiều tia hy vọng cho các bệnh nhân nhưng cũng cần nhiều thời gian và chi phí để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có thể áp dụng thực tiễn trên con người trong 5 hay 10 năm tới.