Người dân TP.HCM bây giờ ra đường thì khổ vì kẹt xe, ngập nước; về đến nhà nhiều lúc lại bị tra tấn bởi vô số âm thanh hỗn độn.
Từ những âm thanh chát chúa của các công trình...
Khu chung cư tôi ở được tiếng lịch sự, sạch sẽ nhưng mấy tháng qua phải chịu đựng sự tra tấn của hàng loạt âm thanh chát chúa từ công trình xây dựng khu đô thị mới kế bên. Cả một dãy nhà liên kế, chung cư cao cấp lẫn biệt thự cùng thi công một lượt, công nhân làm cả ngày đêm cho kịp tiến độ giao nhà. Mặc dù cách cả trăm mét nhưng hàng loạt tiếng xe tải đổ đất, xe đổ bê tông, tiếng hàn sắt thép đinh tai nhức óc. Bà chủ quán cà phê đối diện công trình rên rỉ: “Họ làm bể nồi cơm của tui mất rồi. Mới sáng sớm mà ồn ào, bụi bặm bay tràn qua đây còn ai tới uống cà phê. Chẳng biết khi nào họ mới làm xong để mình kiếm sống đây!”.
Cô chủ cửa hàng thời trang ở đầu đường đi tập thể dục ngang qua cũng dừng lại góp chuyện. Cô bảo: “Em cũng đang quá khổ vì tiếng cưa sắt thép, hàn xì. Nhà bên cạnh tiệm em gần đây họ cho một người làm cửa sắt thuê. Ôi thôi, suốt ngày tiếng cưa cắt sắt, rồi tiếng hàn xì, tiếng sơn nghe nhức cả óc. Mặc dù tiệm em toàn kính, gắn máy lạnh nhưng mùi hàn, mùi sơn cũng bốc vào, bọn em ở trong nhà vẫn phải đeo khẩu trang! Mình làm ăn, họ cũng làm ăn, biết nói sao bây giờ. Ồn ào và hôi khét mùi hàn, mùi sơn nên khách ngày càng thưa. Cả khách quen cũng dần bỏ đi, còn mấy tháng hết hợp đồng chắc phải trả nhà kiếm chỗ khác thuê thôi”.
... Đến những màn tra tấn bằng “cái gọi là âm nhạc”!
Mấy tốp công nhân làm bên công trình xây dựng thuê cái nền đất bỏ trống bên kia đường, cất cái trại tạm để ở trong thời gian thi công. Toán công nhân thay ca 5 giờ chiều, họ về nấu ăn khói mù mịt bay khắp xóm nhưng bà con rất thông cảm cho sự khó khăn của họ. Nhưng đến khi ăn xong họ lại nhậu nhẹt la lối om sòm. Chưa hết, họ lại còn lôi đâu ra bộ karaoke “3 trong 1” hát hò inh ỏi tới khuya. Cả khu chung cư hết chịu nổi, báo công an khu vực đến thì họ tắt máy nhưng khi công an về họ lại còn mở hết volume, hét to hơn như để trả đũa. Tiếng hát chát chúa vang thẳng lên mấy tầng lầu, nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít, mặc cho trời nóng nực.
Hôm nào cần yên lặng để viết lách, tôi phải đi tỵ nạn ở nhà một anh bạn nhạc sĩ độc thân tận cù lao Long Phước. Tuy xa một chút nhưng được cái không gian tĩnh lặng và hoang sơ như một vùng quê Nam bộ thời xưa! Vừa nghe nhạc cổ điển vừa nhâm nhi cà phê, tôi than thở chuyện bị tra tấn bởi công trình xây dựng và nhất là bị nghe mấy cậu công nhân hát karaoke hằng đêm. Anh bảo: “Ông có biết tại sao tôi bán nhà bên trung tâm qua chốn “bưng biền” này ở không? Vì sát nhà tôi suốt ngày phải nghe lũ trẻ con hát ba cái thứ nhạc chế, nhạc rap nhảm nhí - những thứ nhạc rác đó tra tấn tôi còn hơn mấy cái loa karaoke”.
Tôi kể anh nghe có bữa tôi giật mình khi nghe mấy cậu bé học sinh cỡ lớp 8, lớp 9 trên đường đi học về vừa đọc rap nhạc chế hay hát những câu nhảm nhí, tục tĩu một cách vô tư. Anh bạn nhạc sĩ nói ba cái thứ “gọi là nhạc” nhảm nhí không thể coi là âm nhạc. Nó chỉ là rác âm nhạc. Những người có trách nhiệm quản lý phải tìm cách quét sạch những thứ nhạc rác này đi. Rồi anh nhắc lại nhận xét của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng trình độ thẩm âm của đông đảo người trẻ hôm nay ngày càng xuống thấp, ban đầu là do dòng nhạc gọi là “nhạc teen” thiếu phương hướng, đến nhạc chế nhảm nhí rồi sản sinh ra loại nhạc rác. Những thứ nhạc rác này phản ánh phần nào đến nhân cách, đạo đức, lối sống lớp trẻ hôm nay.