Thời gian qua, chiến dịch “giành lại vỉa hè” ở TP.HCM được triển khai mạnh mẽ đã giúp hè phố thoáng đãng, bộ mặt TP phần nào đẹp hơn, sạch hơn… Sự sạch sẽ, thoáng đãng, đẹp đẽ dĩ nhiên cũng tác động tới cuộc sống, tâm tư của nhiều người dân TP. Sự ảnh hưởng lớn lao tới những người buôn bán trên hè phố xưa nay đã được nhiều người, nhiều giới, nhiều cơ quan công luận cũng như nhiều luồng ý kiến trên các trang mạng bàn tán.
Nhiều nhà lo sốt vó
Tại các quận nội thành, đường phố, lề đường thẳng tắp, đều đặn dễ nhìn ngắm, đo đạc, thế nhưng chuyện đập bậc thềm khách sạn năm sao, dỡ mái che, cẩu xe sang lấn chiếm lòng, lề đường… ở quận 1, quận trung tâm TP, có lúc khá căng thẳng giữa cán bộ thi hành và một số chủ cơ sở, chủ nhà. Còn tại các quận vùng ven như Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp… hay các quận mới như quận 2, quận 9, Tân Phú… nhiều con đường vốn trước kia là đường làng, gọi là hương lộ, không có cả cống thoát nước, gần đây ngành giao thông mới làm cống nằm giữa đường. Vì lề đường quá nhỏ, chỗ lồi chỗ lõm hoặc lề đã bị lở lói, biến dạng, thậm chí không có lề nên chuyện vẽ đường ranh màu vàng để xác định phần phía trong là phần được để xe hay bày biện gì đó.
Chuyện vẽ lề đường này cũng phát sinh lắm điều bi hài bởi cái vạch vàng này vô cùng lợi hại, mà nhiều người gọi là “ranh vàng”. Có nhà do “lịch sử để lại”, cái vạch vàng chừa trống vỉa hè trước nhà cả vài ba mét, chủ nhà hồ hởi, phấn khởi tha hồ để xe, bày biện buôn bán nhưng cũng có nhiều nhà cái vạch vàng ăn sát nhà, thậm chí leo lên nền nhà. Ở đây chưa thấy chuyện đập thềm nhà nhưng nhiều người đang lo sốt vó. Cả mấy cái mái hiên dù di động, có co rút cỡ nào cũng phải tháo dỡ. Bà Bảy bán cơm tấm ở đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 gần nhà tôi bị tháo dỡ mất cái mái hiên và tấm bảng hiệu, bà bực lắm. Hai mươi mấy năm nay quán cơm tấm của bà bày bán trên thềm nhà, bàn ghế để trước thềm nhưng mấy hôm nay nghỉ bán vì cái vạch vàng vào đến sát chân thềm nhà. Bà bảo: “Xui quá, sao cái vạch lại leo lên tới hết hè dzậy hả?”.
Lực lượng chức năng đang “giải cứu vỉa hè” tại quận Bình Thạnh.
Đường phố thông thoáng
Một người quen của tôi ở gần chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1, trước giờ rất khổ sở vì tiếng ồn của mấy người bán hàng rau trái buổi sáng và hàng ăn di động trước nhà chiều tối. Những xe hủ tiếu mì, bánh canh, hột vịt lộn… chiều nào cũng bày bàn ghế đầy trước cửa nhà, có khi anh đi công việc về mệt gần đứt hơi mà gặp lúc người ngồi ăn bít lối vào, phải chờ người ta sắp lại bàn ghế mới vào được. Bực lắm nhưng cũng chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở. Vì họ cũng vất vả mưu sinh nên bấm bụng thông cảm. Nhưng chuyện cứ lặp đi lặp lại hoài, số người tham gia bán hàng ăn ngày càng nhiều, có người đàng hoàng sau khi bán xong dọn dẹp sạch sẽ nhưng có người chỉ quét qua loa, sáng ra bà xã anh phải tạt nước rửa cho bớt mùi thức ăn, mắm muối. Anh bảo: “Có khi mình cũng to tiếng, rồi sau đó thấy như mình có lỗi!”.
Vừa rồi gặp, anh bảo: “Mừng quá! Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ mình thấy đúng quá đi chứ. Hiệu quả ngay. Hè phố sạch đẹp, thông thoáng, mình đi làm về lâu lắm mới thấy thật dễ chịu, bà xã mình đỡ vất vả khi phải dội rửa quét dọn. Điều đáng mừng là được biết những người bán hàng ăn đang được sắp xếp vào buôn bán trong một khu vực ăn uống do quận chỉ định”. Anh nói tiếp: “Điều này đúng ra chính quyền phải tính trước rồi quy hoạch nơi buôn bán mới cho bà con trước khi khởi động chiến dịch chứ”. Nhưng tôi biết chắc một điều là không thể sắp xếp hết tất cả người bán hàng ăn di động. Và ngay cả được sắp xếp, chưa chắc họ có thể bán được bởi rất nhiều người có thói quen ngồi ăn uống vỉa hè, không thích chui vào trong hẻm.
Ở đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, đoạn ngang qua chợ Bà Chiểu, thường ngày bà con bày bán chiếm hết lề đường, tràn cả xuống lòng đường, xe cộ qua lại đoạn đường này rất khó khăn, nhất là buổi chiều tối. Lâu lâu có xe công an dân phòng đi hốt thì họ dẹp, đoàn đi qua họ lại tràn xuống như cũ. Mấy hôm nay chạy xe ngang qua băng băng, lề đường hai bên chợ gọn gàng, tương đối thoáng đãng. Chị công nhân vệ sinh chợ dừng tay quét đường, quệt mồ hôi, nói với anh công nhân đẩy xe rác - tôi đi chậm nên cố ý lắng nghe: “Đường sá gọn gàng, thông thoáng, người ta chạy xe thoải mái, mình cũng nhẹ nhàng hơn, khỏe hơn. Chỉ tội mấy chị bán hàng rau quả, hàng cá tôm lui vào trong đó coi bộ bán ế quá...”.