Vì sao Củ Chi dọn dẹp được vỉa hè trong "hòa bình"?

Từ đầu năm 2017, UBND huyện Củ Chi, TP.HCM đã triển khai chiến dịch lập lại trật tự lòng, lề đường, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bằng cách tuyên truyền, vận động, đến nay đã có gần 1.200 hộ dân trên bốn tuyến đường điểm của huyện tự nguyện tháo dỡ công trình, vật dụng vi phạm, đạt 93,9%. “Tính tới thời điểm này, UBND huyện Củ Chi chưa phải tổ chức cưỡng chế bất kỳ một trường hợp nào trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường” - ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, khẳng định.

Vì đường thông, hè thoáng

Tỉnh lộ 2 là một trong các tuyến đường điểm của huyện Củ Chi, đến nay đã có 126 hộ dân tự nguyện tháo dỡ những hạng mục vi phạm. Theo ghi nhận của PV, vỉa hè của con đường này đã được kẻ vạch đỏ, người dân buôn bán đều tuân thủ quy định để đồ đạc phía trong vạch nên không gian thoáng hơn hẳn.

Chị Nguyễn Thị Hỏe, kinh doanh quán cà phê, kể: “Cách đây gần một tháng, chính quyền địa phương có đến nhà phát thông báo và nhắc nhở những đồ đạc, công trình nào đang lấn chiếm lề đường phải dọn vào ngay. Chúng tôi đã gom một số bàn ghế, chậu hoa để vào phía trong vạch đỏ. Hai cây lớn trước nhà cũng được chặt đi ngay chứ cũng không đợi cưỡng chế”. Theo chị Hỏe, chị đồng tình với chủ trương của huyện cũng như toàn TP vì làm vậy thì đường thông, hè thoáng, người đi bộ có lề đường để đi.

Nhiều hộ dân khác cũng bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương làm sạch vỉa hè của huyện Củ Chi. Anh Trịnh Gia, chủ tiệm sửa xe, khẳng định: “Từ ngày huyện kẻ vạch sơn trên lề đường, tôi thấy đúng quá. Mặc dù đồ đạc sửa chữa, xe cộ nhiều nhưng tôi để gọn phía trong vạch, chừa lối đi cho người đi bộ”. Anh Gia cũng cho biết anh đã cho cắt gọn phần mái che bằng tôn của cửa tiệm sau khi được lực lượng chức năng vận động.

Đến nay trên bốn tuyến đường điểm của huyện là tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 2 về cơ bản các hộ dân có nhà mặt tiền đã chấp hành khá tốt.

Chị Nguyễn Thị Hỏe dọn dẹp chậu cây lấn vỉa hè trước quán cà phê của mình. Ảnh: LÊ THOA

Lấy số đông để tạo sức lan tỏa

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết trước khi thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường, từ đầu năm 2017 huyện đã xây dựng nghị quyết về công tác này. Ngay sau đó, UBND huyện Củ Chi tổ chức cuộc họp triển khai về công tác trật tự lòng, lề đường với hơn 500 cán bộ từ bí thư, chủ tịch huyện, xã đến trưởng 178 ấp. “Trong đó, vai trò của đoàn thể là rất quan trọng. Hội Phụ nữ phải vận động hội viên của mình; Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… cũng vậy. Tức cán bộ đoàn thể phải vận động được hội viên của mình, để hội viên đi tuyên truyền cho người dân. Vì thế khi đoàn công tác của huyện xuống địa bàn thì đa số bà con đều đã nắm chủ trương và phần đông là đồng thuận” - ông Dũng thông tin.

Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng cho biết địa phương này chọn cách làm cuốn chiếu, chọn những tuyến đường điểm để thực hiện trước, vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt, tuyến nào đã làm thì làm cho tới cùng để người dân theo đó mà noi gương. “Thực hiện việc lập lại trật tự lòng, lề đường còn phải biết lấy số đông để tạo sức lan tỏa. Khi vận động phải chỉ ra những tuyến đường huyện đã làm được, chỉ cho họ thấy xung quanh họ đã có rất nhiều người tự tháo mái che, dẹp biển quảng cáo… để họ thấy mà làm theo. Chẳng lẽ ai cũng thực hiện mà họ không làm thì coi không được” - ông Dũng nói.

Làm nghiêm cho dân thấy

Một yếu tố khác để thuyết phục bà con tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, không lấn chiếm lề đường chính là nhờ một số tuyến đường huyện đã thực hiện nghiêm trước đây. Đơn cử là tuyến Nguyễn Văn Hoài, trước đây tuyến này bị nhiều người dân buôn bán lấn chiếm xuống cả lòng đường, đến cả xe cứu thương cũng không chạy được nhưng huyện đã quyết tâm xử lý, tạo 300 m2 mảng xanh, vận động các hộ trả lại không gian thông thoáng. Hay tuyến Đặng Chiêm, Nguyễn Văn Ni dẫn vào các khu công nghiệp gây nên tình trạng kinh doanh lộn xộn cũng được giải quyết gọn gàng hơn. Đây chính là những minh chứng thực tế để vận động người dân tự nguyện giải tỏa đất và không gian đường bộ, lập lại trật tự lòng, lề đường trên địa bàn huyện.

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG,Phó Chủ tịch
UBND huyện Củ Chi, TP.HCM

Đường ở đây không có vỉa hè mà xe cộ cũng qua lại nhiều, nhiều lúc thấy con nít chạy dưới đường nguy hiểm quá. Tôi mong khi giành lại vỉa hè chính quyền cũng sớm làm lề đường để việc đi lại thuận tiện hơn, tránh nguy hiểm cho người đi bộ.

Chị NGUYỄN THỊ HỎE, kinh doanh quán cà phê trên tỉnh lộ 2

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

(PLO)- Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.