Ô nhiễm tiếng ồn: Phá vỡ cân bằng tự nhiên

Những tiếng nhạc lớn phát ra từ chiếc tivi, tiếng người nói trong điện thoại, âm thanh từ xe cộ, tiếng vật nuôi sủa trong đêm... Tất cả đều hòa quyện với nhau thành một phần của cuộc sống đô thị. Khi những âm thanh ấy quá lớn sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc khiến bạn nhức đầu, căng thẳng thì nó không chỉ là tiếng ồn nữa mà là sự ô nhiễm.

Ảnh: ST

Theo nhiều người, ô nhiễm tiếng ồn xảy ra khi có những âm thanh khó chịu gây ra gián đoạn tạm thời, làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Vậy tiếng ồn xuất phát từ đâu?

- Công nghiệp: Hầu hết ngành công nghiệp sử dụng máy móc lớn và có khả năng gây ra tiếng ồn lớn. Các thiết bị như máy nén khí, máy phát điện, quạt thông gió, máy nghiền... đều góp phần gây ra tiếng ồn.

- Thiếu quy hoạch đô thị: Hầu hết các nước đang phát triển, quy hoạch đô thị chưa đúng, nhà cửa đông đúc, không gian nhỏ... góp phần quan trọng gây ra ô nhiễm tiếng ồn.

- Sự kiện xã hội: Ở các quán nhậu, nơi ăn uống, hoạt động buôn bán, chương trình ca nhạc ngoài trời... nhiều người thường không chú trọng đến việc đảm bảo âm thanh vừa đủ nghe. Nhiều cửa hàng bán quần áo, hàng gia dụng, điện máy... phát nhạc hay quảng cáo qua những chiếc loa lớn đặt trước cửa hàng thu hút sự chú ý của mọi người. Điều này không những gây phản cảm, thể hiện ý thức chưa cao mà còn ảnh hưởng rất lớn đến người xung quanh.

- Giao thông: Tiếng xe cộ, tiếng còi, tiếng cãi vã khi va chạm trên đường... Nhiều người rất khó khăn khi họ phải tập làm quen với âm thanh từ số lượng lớn phương tiện giao thông di chuyển hằng ngày.

- Các công trình xây dựng: Nhiều hoạt động xây dựng tòa nhà, trạm, đường giao thông, cầu vượt... diễn ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Điều đó là cần thiết trong việc phát triển đô thị nhưng kèm theo nó là hậu quả về ô nhiễm tiếng ồn.

- Tại gia đình: Các tiện ích sử dụng hằng ngày như tivi, điện thoại di động, máy trộn, máy xay, nồi áp suất, máy hút bụi, máy giặt, máy sấy, làm mát, điều hòa không khí... góp phần không nhỏ gây ra tiếng ồn.

Ô nhiễm tiếng ồn có vẻ như vô hại nhưng trong thực tế nó đã gây ra hậu quả đáng lo ngại, nhất là vấn đề sức khỏe. Ngoài sự ảnh hưởng đến thính giác, khả năng giao tiếp, ô nhiễm tiếng ồn quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý với biểu hiện rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, vấn đề tim mạch... Nếu chúng ta biết điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe, hạn chế tiếng ồn, ý thức hơn trong hoạt động kinh doanh, cư xử đúng mực... thì chắc chắn sẽ mang lại sự yên bình hơn cho TP.

Trong hội thảo mới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã báo cáo về kết quả năm năm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015. Trong các mục tiêu đặt ra có mục tiêu về giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất, 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải (GTVT). Đến nay, mặc dù chúng ta đã có nhiều động thái nhằm can thiệp giảm thiểu ô nhiễm nhưng theo báo cáo, việc giảm thiểu tiếng ồn trong hoạt động sản xuất, nhất là trong GTVT chưa thể đánh giá được.

Có nhiều nguyên nhân khiến dẫn đến chưa hoàn thành mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là ý thức và trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp thấp; TP chưa có chương trình đo đạc nguồn ồn trong môi trường tự nhiên; ngành GTVT chưa có giải pháp giải quyết tổng thể, kế hoạch cụ thể đối với việc giảm tiếng ồn do động cơ tham gia giao thông. Báo cáo cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành như Sở TN&MT TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, triển khai các công nghệ tiên tiến, chuyển sang sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch, tăng cường mảng xanh đô thị... 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm