Ngày 13-3, hơn 400 tình nguyện viên (TNV) có mặt tại khu vực cầu tàu Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) để hưởng ứng lễ ra quân dự án Điểm đến xanh. Đây là hoạt động do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM tổ chức.
Tham gia tour sinh thái giúp chúng ta nhìn tận mắt những loại rác con người đang thải xuống dòng kênh mỗi ngày. Ảnh: NGỌC CHÂU
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có nguy cơ ô nhiễm trở lại
Trước đây, nói đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, người ta thường nhớ đến một nơi ô nhiễm, chứa đầy rác thải. Năm 1993, dự án cải tạo ô nhiễm dòng kênh được triển khai. Đến nay, dự án đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, dòng kênh trở nên khang trang và sạch sẽ hơn nhưng điều đáng buồn là tình trạng rác thải vào dòng kênh vẫn còn.
Tại buổi lễ phát động, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết sau một thời gian “hồi sinh”, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang bị đe dọa ô nhiễm trở lại do người dân xả rác xuống kênh và cá dưới kênh bị câu bắt trái phép. Trung bình mỗi ngày, lực lượng công nhân vệ sinh vớt khoảng 7 đến 10 tấn rác và lục bình dọc tuyến kênh. Dù đã có bảng “Cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức” nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên thả cần câu bừa bãi từ sáng tới khuya.
Nếu có dịp thả bộ dọc theo con kênh này, bạn sẽ thấy những chú cá nhỏ (đây là cá được thả xuống để cải tạo dòng kênh) ngoi lên mặt nước để thở do nguồn nước ô nhiễm. Cũng như con người, chúng cần oxy để sống, cần thức ăn để lớn lên và tồn tại. Khi đi tìm thức ăn, những chú cá mải mê kiếm trong những thứ rác rưởi con người vứt xuống. Đó là muỗng, hộp nhựa, bao nylon, mảnh thủy tinh, vỏ dừa… Và nếu may mắn chúng phát triển được, song lại bị con người đánh bắt do sở thích câu cá. Cũng vì lý do trên, Điểm đến xanh hy vọng đóng góp tiếng nói nhằm tuyên truyền vận động các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh, khách vãng lai nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Cụ thể, không đổ rác xuống kênh, không câu bắt cá trên kênh dọc hai bên bờ kênh theo tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa để giữ được màu xanh lâu dài cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Bằng sức trẻ, các tình nguyện viên mong muốn đóng góp cho môi trường thành phố ngày càng xanh, sạch hơn. Ảnh: BTC
Nhiều hoạt động xanh hóa dòng kênh
Sau lễ ra quân, các đại biểu, đại sứ, TNV đã tham gia tour du lịch sinh thái nội đô, giới thiệu về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tiếp đó là hoạt động vớt rác, thả cá để góp phần xanh hóa dòng kênh. Trong khi đó, các TNV, lực lượng đoàn viên thanh niên tuyên tuyền vận động các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh sinh sống dọc hai bên bờ kênh, người dân cùng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Dịp này, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô Thị TP.HCM (UDC) phối hợp với quận Đoàn các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình thực hiện công trình Sơn nắp hầm ga thoát nước với khẩu hiệu Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước trên 313 nắp hầm ga trải dài hai bên bờ kênh. Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM lắp đặt gần 200 thùng rác dung tích 95 lít/thùng trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Duẩn, Pasteur, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi.
Điểm đến xanh nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Giờ trái đất 2016 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng một số đơn vị khác phối hợp thực hiện. Đêm sự kiện chính Chung tay tắt điện toàn cầu Giờ trái đất năm 2016 diễn ra từ 15 giờ 30 phút đến 22 giờ ngày 19-3 tại sân 4A Nhà văn hoá Thanh Niên (quận 1, TP.HCM). |