Theo dòng thời sự

Oái oăm chiếc vé máy bay

(PLO)- Cách đây hơn 10 năm, sự xuất hiện của hãng bay tư nhân đầu tiên đã mở ra một “kỷ nguyên” vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam, tạo cơ hội cho tầng lớp bình dân có thể đi lại bằng đường hàng không.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuy nhiên, tình trạng vé máy bay “nhảy múa” trong thời gian qua đã khiến không ít người dân phải thay đổi kế hoạch di chuyển.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có sáu hãng bay gồm: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vasco và Vietravel Airlines. Nhiều hãng hàng không xuất hiện tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt và trong “thế trận” này, người tiêu dùng là được lợi nhất. Theo đó, người dân có thể lựa chọn hãng bay yêu thích hoặc phù hợp với túi tiền.

Thông thường, vào dịp lễ tết, nhu cầu đi lại của người dân rất cao và giá vé máy bay cũng tăng tỉ lệ thuận. Vào những thời điểm nhu cầu đi lại ít, các hãng hàng không giảm giá vé hoặc tung ra hình thức vé máy bay giá rẻ để kích cầu. Lẽ thường là vậy nhưng năm nay, giá vé diễn biến một cách bất thường đến khó hiểu.

Theo phân tích của các hãng hàng không, nguyên nhân tạo ra tình trạng “mua sớm giá cao, mua sát ngày bay giá lại rẻ” được cho là nằm ở các đại lý. Lâu nay, thường chờ đến “giờ G” các đại lý mới bán vé để được giá cao hơn nhưng trong dịp lễ này, khi khách hàng chọn phương án di chuyển khác thì họ vội vàng “xả” vé. Điều này nhìn bề nổi thì dễ thấy các đại lý đang thao túng thị trường, tạo ra sự khan hiếm khiến giá vé bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, việc này cũng không sai vì họ không bán quá giá trần quy định. Với việc kinh doanh, miễn đảm bảo đúng quy định pháp luật và có lời nhất thì họ được làm.

Điều đáng ngẫm là hiện nay nguồn vé và quyền điều phối vé vẫn nằm ở các hãng hàng không. Để xảy ra sự xáo trộn thị trường vé máy bay, dẫn đến sự khan hiếm “ảo” thì phải truy lại từ đầu mối phân phối này. Các hãng đủ điều kiện để kiểm tra được tình hình bán vé của các đại lý. Bởi số vé bán ra cho đại lý và số ghế thực tế đã bán thì chắc chắn các hãng phải nắm được. Nếu các hãng hàng không không có những biện pháp chế tài đủ mạnh với các đại lý thì thị trường giá vé sẽ tiếp tục méo mó.

Câu chuyện chiếc vé máy bay không chỉ nằm ở quan hệ giữa khách hàng và các hãng hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, nhất là đối với ngành du lịch. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang tập trung các chính sách để phục hồi ngành du lịch và thực tế ngành này đã có những tín hiệu rất tốt trong thời gian qua. Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay được nghỉ dài ngày, tưởng chừng sẽ là mùa làm ăn lớn của thị trường du lịch. Nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn đang hóng khách du lịch vì lượng khách đến không nhiều như mọi năm. Thậm chí, tại thời điểm này, những điểm đông khách như Phú Quốc, Nha Trang… không ít chủ khách sạn vẫn than ế khi lượng khách mới đạt mức 60%... Điều này có một phần nguyên nhân từ việc giá vé máy bay tăng chót vót trong những tháng trước.

Trước những lùm xùm về giá vé, cần lắm sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để sớm trả lại sự bình thường cho tấm vé máy bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm