Ôn thi tốt nghiệp THPT sao cho hiệu quả?

Tòan cảnh buổi giao lưu trực tuyến "Ôn thi tốt nghiệp THPT sao cho hiệu quả?"

Hoạt động này nằm trong hệ thống chương trình “Hướng nghiệp, Tư vấn tuyển sinh 2013” do trang thông tin trực tuyến plo.vn cùng Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ bắt đầu vào lúc 9h sáng thứ bảy ngày 27 - 04.

Khách mời tham dự chương trình gồm các chuyên gia, nhà giáo đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn:

(1) PGS.TS Nguyễn Đình Phư
- Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh
 
(2)TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn

(3)PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn

(4) Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn

(5) Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn

Ngay từ bây giờ, mọi thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, thí sinh và các bậc phụ huynh có thể đặt câu hỏi tại đây.

* Thưa thầy, hiện nay em thấy các bạn thường ôn thi thông qua hình thức học trực tuyến. Vậy hình thức này có ưu, nhược điểm gì? Thầy có thể tư vấn giúp em cách học hiệu quả trên các trang này?

(Trần Kim Ngân - Email: Trankimngan95…@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Kim Ngân thân mến,

Hiện nay đã có rất nhiều học sinh chọn hình thức học trực tuyến và đã thu được kết quả tốt. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, phát huy được thế mạnh của công nghệ thông tin, internet, phát huy tối đa năng lực của mỗi học sinh. Học trực tuyến cho phép học sinh chủ động sắp xếp thời gian hợp lý, học sinh được học với nhiều thầy giáo giỏi trên khắp đất nước, hệ  thống bài giảng được đưa lên website thường được chọn lọc kỹ càng, đầy đủ, ít có sai sót và thường được cập nhật thường xuyên. Học phí khi học trưc tuyến cực kỳ rẻ, lý do là cùng một lúc có hàng ngàn học sinh học một bài, còn học phí học trên lớp cao vì sỉ số mỗi lớp ít.

Tuy nhiên học trực tuyến đòi hỏi học sinh phải có quyết tâm, ý thức tự giác cao, có kế hoạch học tập tốt .

Em hãy vào website xem các chuyên đề cần phải ôn, lập kế hoạch ôn cho mỗi phần. Khi học vẫn phải ghi chép ra vở như khi ngồi học trên lớp, chỉ nghe không thôi thì hiệu quả thấp. Đánh dấu những đoạn đã nghe mà chưa hiểu để nghe lại đoạn ấy cho kỹ. Chỗ nào không hiểu thì gửi câu hỏi cho giáo viên và chú ý dành thời gian xem lại câu giải đáp. Nên tham gia diễn đàn để trao đổi kinh nghiện với các bạn cùng học.

Chúc em thành công.

* Em chào thầy, từ trước đến giờ em không thể giải hoàn chỉnh bất kì một bài tập Hóa nào, em chỉ viết được phương trình phản ứng và làm lý thuyết thôi. Sắp đến kì thi, em lo lắng quá. Mong thầy chia sẻ để em tự tin hơn. Em cảm ơn thầy.

(Quỳnh Giang - Email: casauhoaca...@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Nếu thi tốt nghiệp THPT thì em không phải lo vì các bài toán trong đề tốt nghiệp đều chỉ cần một phép toán tam suất là có ngay kết quả mà không cần phải áp dụng bất cứ định luật nào! Em yên tâm nhé! Chúc em thi đậu!

* Thưa thầy, khi ôn thi tốt nghiệp, ngoài sách giáo khoa, em có cần tham khảo thêm các loại sách nào nữa không ạ?

(Trần Thị Kim An - Email: Kimanh.tranthi..@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Kim An thân mến,

Để ôn thi tốt nghiệp chỉ cần dùng sách giáo khoa là đủ, em không cần phải mua các sách tham khảo.Có nhiều sách tham khảo được soạn không kỹ, nhiều sai sót, không cập nhật những kiến thức đã giảm tải, có những cách giải không phù hợp với chương trình phổ thông.

Hãy ôn kỹ lý thuyết trong sách giáo khoa, làm kỹ bài tập cho mỗi phần. Sau đó làm bài tập tổng ôn ở cuối chương và cuối sách. Em nhớ làm cả bài tập trong Sách Bài tập nữa nhé, trong sách Bài tập thường có phần tóm tắt lý thuyết, em nên ghi lại cho nhớ.

* Em chào thầy, trong những lần thi trước, cứ làm đến một nửa bài thi, gặp câu khó quá em lại mất bình tĩnh, không suy nghĩ được gì em không chịu nổi và phải bỏ thi giữa chừng. Mặc dù sau đó rất hối hận nhưng em không khắc phục được. Em phải làm sao bây giờ?

(Trần Công Thành - Email: congthanh123…@gmail.com)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Nguyên nhân đổ vỡ đó là do lo lắng sợ sệt và chưa đủ tự tin. Muốn thoát khỏi tâm lý này, trước hết em hãy bình tĩnh, tự tin. Muốn được như thế hãy ôn tập căn bản và luôn tự nhủ: Mình sẽ vượt qua! tâm niệm mình sẽ chiến thắng lâu ngày mình sẽ có nội lực để làm mọi chuyện thành công. Ngược lại với một tâm lý sợ sệt và lo lắng bất an thì làm gì cũng gặp trở ngai. Em nên tập hít thở để lấy tự tin và  biết tĩnh lặng nghe lại chính lòng mình để có thể tự tin hơn, bình tĩnh hơn! Để tập hít thở em có thể làm theo các bước sau. Em hãy nằm ngữa, hai tay buông lỏng, hít từ từ vào bằng mũi, ngưng thở bao lâu cũng được rồi từ từ thở ra bằng miệng. Em hãy tập thở như vậy mỗi lần tối thiểu 5 nhịp. Có thể thở càng nhiều càng tốt. Nếu em hít thở như vậy chừng 10 phút là giấc ngủ tự nhiên sẽ tới, sau khoảng 25 phút nghỉ ngơi sức khỏe của Em sẽ bình thường.

* Chào thầy, khi bắt tay vào giải một bài tập môn Sinh, các bước trình tự như thế nào mới đạt kết quả cao?

(Nguyễn Thị Châu Giang - Email: giang_nguyenchau…@gmail.com)

PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Chào em, Khi giải một bài toán môn Sinh thì có hai bước sau :

1/ Nhận dạng loại bài tập là thuộc về 1 trong loại bài tập nào sau đây :

- Cơ chế di truyền

- Đột biến gen

- Đột biến cấu trúc NST

- Đột biến số lượng NST (dị bội, đa bội)

- Quy luật di truyền

- Di truyền học quần thể

- Sinh thái học (nâng cao)

2/ Phân tích bài tập theo cách làm của dạng bài tập đó. Do bài tập chỉ là bài cơ bản, có ít bước nên cần ôn lại cách làm của từng dạng (xem phần tư vấn kì trườc). Không sưu tập những bài tập có các bước giải phức tạp dành cho thi tuyển sinh Đại Học. Tham khảo các đề thi tú tài từ 2007 - 2011 trên trang onthi.net.vn là rất hữu ích.

Chúc em đạt kết quả tốt



PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn

* Chào thầy, thầy có thể giúp em phân biệt các dạng bài tập Hóa được không? Vì khi làm bài em hay nhầm lẫn không xác định được.

(Lý Quốc Trung - Email: quoctrung…@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Thầy có thể nói sơ lược cách nhìn ra vấn đề khi giải một bài toán Hóa: Nếu đề cho hỗn hợp các kim loại tác dụng với axit hay với muối, ta nên dùng bảo toàn electron; Nếu đề cho tính khối lượng xà phòng nên dùng định luật bảo toàn khối lượng; Nếu đề cho Cu (hay muối Fe (II) vào dung dịch hỗn hợp có chứa H+ và NO3- nên giải theo phương trình ion... Chúc em thành công trong học tập!

* Thưa thầy, khi ôn thi tốt nghiệp, phần Hình học giải tích trong không gian có những nội dung nào cần lưu ý? Để làm bài tốt phần này, thí sinh cần chú ý ôn luyện ra sao?

(Nguyễn Thế An - Email: thean211…@gmail.com)

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn trả lời:  

Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn toán thì bài toán về phần hình học không gian là một bài toán thường khá dễ, vì vậy các em nên cố gắng ôn tập tốt để chắc chắn làm được bài toán này. Theo đề thi của những năm gần đây thì bài toán này gồm 2 ý và thường tập trung vào các dạng toán như lập phương trình (đường thẳng, mặt phẳng, mặt cầu) và các vấn đề về xét vị trí tương đối, tính khoảng cách, tính góc, tính diện tích, thể tích..

Để ôn thi tốt nghiệp phần hình học giải tích trong không gian hiệu quả thầy tư vấn cho em như sau:

          Về lý thuyết em cần hệ thống và ôn tập các kiến thức đóng vai trò then chốt như: Phương trình mặt phẳng, phương trình đường thẳng, phương trình mặt cầu, các công thức tính khoảng cách từ 1 điểm đến một mặt phẳng, từ một điểm đến 1 đường thẳng, công thức tính góc..sau đó em cần hệ thống và ôn tập các kiến thức đóng vai trò bổ trợ nhưng cũng rất quan trọng như: Tính chất hình học thuần túy và tọa độ của các điểm đặc biệt (trung điểm đoạn thẳng, trọng tâm, trực tâm,tâm đường tròn ngoại tiếp tam giác...)các công thức tính thể tích tứ diện, diện tích tam giác;...Em nên hệ thống bằng cách tự lập bảng tóm tắt các kiến thức này nhé.

Về bài tập cần ôn tập theo thứ tự từ dễ đến khó, từ quan trọng đến ít quan trọng hơn  như:

1.Lập  phương trình mặt phẳng; lập phương trình đường thẳng, lập phương trình mặt cầu.

2. Các bài toán về tính khoảng cách. Các bài toán về xét vị trí tương đối. Tính góc..

3. Các bài toán tổng hợp về tứ diện, hình chóp.

Trong quá trình ôn tập lưu ý hệ thống lại các dạng toán thường gặp (ví dụ như bài toán lập phương trình mặt phẳng có: Lập phương trình mặt phẳng đi qua 3 điểm, qua 1 điểm và vuông góc với 1 đường thẳng, mặt phẳng trung trực của 1 đoạn thẳng, mặt phẳng tiếp diện của mặt cầu...) ngoài ra cũng cần chú ý tổng hợp những bài toán mang tính “ gần gũi” với bài toán đó tức là những bài toán mà để giải được ta phải quy về bài toán đó.

Chúc em ôn tập thật tốt và thi đạt kết quả cao trong các kì thi sắp tới.

* Thưa thầy, trong kỳ thi tốt nghiệp, phần bất phương trình mũ và logarit thường có những dạng bài tập nào? Lưu ý khi giải các bài tập thuộc phần này?

(Trần Trọng Trí - Email: Trongtri.tran95..@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Trọng Trí thân mến,

Phần phương trình, bất phương trình mũ và logarit thường có những dạng mà đòi hỏi học sinh phải sử dụng những phương pháp sau đây:

- Biến đổi đưa về cùng cơ số và sử dụng các phương trình và bất phương trình cơ bản.

- Đưa phương trình, bất phương trình về dạng tich.

- Logrit hóa.

- Đặt ẩn phụ.

- Sử dụng tính chất đơn điệu của hàm số.

- Đánh giá hai vế của phương trình hay bất phương trình.

Em nên ôn phần này kỹ để chuẩn bị cho kỳ thi Tuyển sinh đại học luôn

Chào thầy, cho em hỏi trong phần lí thuyết của Hóa vô cơ  cần chú ý những điểm nào?

(Hòa Thanh Trường - Email: truong_hoa…@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Nếu thi tốt nghiệp, em chỉ cần chú ý nội dung vô cơ ở chương trình 12: Đại cương về kim loại; Kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm, sắt, crom và hợp chất của chúng. Nếu thi Đại học em phải chú ý thêm cả phần vô cơ ở khối 10; 11: các phi kim IVA; VA;VIA; VIIA và hợp chất của chúng. Ngoài ra em phải nắm cả phần Hóa Đại cương: Sự điện li; Liên kết hóa học; Tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học; Cấu tạo nguyên tử và Bảng tuần hoàn. Em có thể tìm hiểu điều này ở CẤU TRÚC ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN HÓA mà Bộ đã công bố rộng rãi trên báo chí, mạng internet . . .

* Thưa thầy, khi ôn thi tốt nghiệp em cảm thấy rất áp lực vì số lượng kiến thức quá lớn phải ôn trong thời gian ngắn. Em nghe các anh/chị chia sẻ là nên hệ thống kiến thức sẽ dễ nhớ hơn. Em mong thầy tư vấn giúp em một số phương pháp hệ thống kiến thức để dễ nhớ. Em xin cảm ơn thầy.

(Thang Kiên Lâm - Email: Thangkienlam95..@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Nhìn chung khối lượng kiến thức ôn tập là lớn vì vậy mỗi em cần có phương pháp riêng cho mình. Phương pháp hệ thống kiến thức cũng là một cách giúp dễ nắm bắt vấn đề. Phương pháp này lần lượt được xem xét: Vấn đế chính, Vấn đề phụ, Vấn đề bổ sung, Ví dụ ứng dụng. Khi đặt ra những tiểu mục nhỏ, trong đầu chúng ta sẽ xuất hiện các kiến thức liên quan và lần lượt chúng ta ghi chép lại. Phương pháp hệ thống dùng trong chứng minh: Cái gì quan trọng, Công cụ dùng chứng minh là gì?...

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.

* Thưa thầy, nhiều bạn bè của em đi ôn thi tốt nghiệp ở các trung tâm. Em rất lo lắng. Nhiều thầy cô vẫn khuyên rằng ôn tập trong sách giáo khoa khoa là đủ rồi nhưng thấy các bạn đi ôn tập vậy em thấy hoang mang lắm. Em mong thầy tư vấn giúp em.

(Nguyễn Trâm Anh - Email: Tramanh95..@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Em nên hiểu cái mình cần đạt: tối thiểu hay tối đa? Những kiến thức trong sách giáo khoa và những kiến thức được các Thầy Cô giảng dạy ở trường là cơ bản. Chương trình thi của Bộ GD&ĐT do Cục khảo thí ban hành cũng gói gọn trong chương trình căn bản đó. Các bạn em đi học thêm thì bổ sung được nhiều kiến thức, cũng cố chắc hơn và kết quả thi hy vọng sẽ cao hơn.

* Chào thầy, xin thầy hướng dẫn giúp em phương pháp học phần Amino axit sao cho tốt nhất ạ?

(Lâm Thanh Tuấn - Email: thanhtuan…@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Amino axit là phần quá dễ học vì nó chỉ là sự tổng hợp của bài AMIN và bài AXIT CACBOXYLIC. Ở đây em cần chú ý đến tên gọi và công thức của một số amino axit thường gặp (glyxin; alanin; axit glutamic... ) cũng như cách giải nhanh dạng toán thường gặp về amino axit là cho amino axit vào dung dịch axit (hoặc bazơ), sau đó thêm tiếp vào dung dịch bazơ (hoặc axit). Ngoài ra em cũng cần biết amino axit cháy phải tạo CO2; H2O và N2, do đó khi đốt cần lưu  ý xem người ta đốt bằng không khí hay O2 (vì đốt bằng không khí thì N2 thu được sau phản ứng phải cộng thêm cả N2 có trong không khí). Chúc em thành công!

* Thưa thầy, do chưa chọn được trường phù hợp nên em đã nộp 4 hồ sơ vào 4 trường khác nhau. Bây giờ em rất lo lắng, em không biết chọn trường như thế nào? Bây giờ em còn phải ôn thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Em mong nhận được lời khuyên của thầy.

(Trần Khải Anh - Email: khaianh…@gmail.com)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Em chẳng cần phải lo lắng gì hết. Em nộp hồ sơ vào 04 trường, nhưng thuộc mấy khối, nếu chỉ 01 khối thi thì em hãy ôn tập và thi thật tốt, khi em có điểm cao rồi học ngành gì mà chẳng được. Nếu 04 trường kia thuộc 02 hoặc nhiều khối thi thì vấn đề là học thật tốt những môn giao nhau của hai khối. Sau khi em thi khối thứ nhất hãy bỏ ít thời gian học môn còn lại. Em vẫn đủ thời gian ôn tập cho các khối khác nhau. Hãy bình tĩnh nhé!

* Thưa thầy, khi ôn thi, ba mẹ thường hay lo lắng khiến em rất stress. Em không biết nói ba mẹ như thế nào để hiểu được tâm trạng của em và bớt lo lắng ạ? Mong thầy chia sẻ giúp em, em cảm ơn.

(Nguyễn Trọng Tín - Email: trongtin...@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Trọng Tín thân mến,

Thông thường trên mỗi bước đường của con cái, ba mẹ đều quan tâm lo lắng. Đó là việc của ba mẹ, em không nên quan tâm quá đến mức stress. Nhiệm vụ của em là tập trung học tập , nghỉ ngơi thật tốt. Em thỉnh thoảng nên trao đổi với ba mẹ những kết quả vui, những tiến bộ trong việc học tập để động viên ba mẹ nhé.

Chúc em có tinh thần học tập thoải mái, thành công.

* Các bài tập của môn Sinh thường tuân theo những công thức nhất định nhưng khi làm trắc nghiệm thì đòi hỏi thời gian làm bài phải rất nhanh mới kịp. Thầy có thể tư vấn giúp em cách ôn tập để làm tốt phần bài tập Sinh học.

(Nguyễn Hoài Nam - Email: nguyenhoainam…@gmail.com)

PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Chào em

Bài tập sinh chỉ sử dụng các công thức tính toán của toán học như tổ hợp... còn bản thân bài tập sinh không cần dùng công thức mà cần nắm kiến thức về cấu trúc hoặc cơ chế sinh học có liên quan.

ví dụ 1 : từ chiều dài của gen, trên cơ sở cấu trúc mạch kép ADN ta lấy [ L/ 3,4] 2 để tính tổng số nucl. của hai mạch hoặc đột biến gen (đột biến điểm) căn cứ vào dạng đột biến mất , thêm hay thay thế một cặp nucl. mà ta lập phép tính.

Ví dụ 2 : Trong bài tập cơ chế phân tử di truyền, do ADN gồm 4 loại đơn phân nhưng bằng nhau theo từng cặp A= T; G = X nên khi tính toán số lượng từng loại nucl. ta phải lập hai phương trình để tìm hai ẩn số.

Ví dụ 3 : Trong bài tập quy luật di truyền, trong thí nghiệm Menđen về lai một tính, F2 xuất hiện tỉ lệ KG = 1/4AA : 2/4Aa : 2/4aa tương ứng với tỉ lệ KH 3/4 trội : 1/4 lặn. Nếu chọn ở F2 một cá thể mang tính trội thì xác xuất tính trong số cá thể mang tính trội là 1/3 AA và 2/3 Aa.

Ví dụ 4 : Trong bài tập lai nhiều tính di truyền độc lập, trên cơ cở sở toán thống kê (quy tắc nhân xác suất các sự kiện độc lập) ta có thể tính nhanh các kết quả lai nhiều tính :

P = AaBbDdEe x AaBBddEe cho số kiểu gen tối đa là 3 x 2 x 2 x 3 = 12, số kiểu hình (trôi hoàn toàn) là 2 x 1 x 2 x 2 = 8

Ví dụ : Trong bài toán di truyền quần thể ta phải có kiến thức cơ bản về quần thể ngẫu phối có thành phần kiểu gen theo biểu thức Hác di Van béc (pA + qa)2 để trả lời nhanh quần thể giao phối nào có thành phần kiểu gen đạt trạng thái cân bằng thông qua hai bước giải bài tập

+ Tính nhanh tần số alen A và tần số alen a của quần thể

+ Đưa giá trị của tần số alen A và a vào biểu thức triển khai ra thành phần kiểu gen so sánh với quần thể của đề bài. Nếu hai thành phần giống nhau thì quần thể cân bằng, không giống nhau thì quần thể của đề bài là chưa cân bằng.

Đây là một số gợi ý, qua luyện tập em sẽ đạt được khả năng tính nhanh.

Chúc em thành công

* Thưa thầy, gần đến ngày thi, em học rất nhiều nhưng hầu hết em học không nhớ vì bài vở nhiều quá. Thầy có chiêu gì để các em học mau nhớ và lâu quên không ạ?

(Giang Thị Hải - Email: hai_giang…@yahoo.com)

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn trả lời:  

Việc học sao cho hiệu quả, học sao cho mau nhớ lâu quên thầy có mấy lời khuyên cho em như  sau:

1. Học theo dàn ý :  tức là nắm các ý chính trước rồi từ đó mới phát triển các ý nhỏ.

2. Học theo một mẫu nhất định: ví dụ như khi ôn tập về 1 vấn đề nào đó của môn toán em có thể hệ thống bài học ôn theo gợi ý : lý thuyết, các chú ý hay các trường hợp đặc biệt, các dạng toán thường gặp, các bài toán nâng cao thường gặp,  bài tập vận dụng...

3. Cần thường xuyên tự ôn lại bài học, tự đặt câu hỏi và tự trả lời về nội dung bài học. Thường xuyên làm bài tập để rèn luyện kĩ năng.

4. Chú ý chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, giải lao phù hợp để tinh thần không quá căng thẳng, như vậy sẽ việc học sẽ hiệu quả hơn, nhớ lâu hơn.

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn

* Thưa thầy, trong Chương Hóa hữu cơ, khi thi có thể ra những dạng bài tập nào ạ? Mong thầy hướng dẫn giúp em.

(Thùy Trang - Email: trangthanhlan…@gmail.com)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Câu hỏi của em rất rộng. Em có thể hiểu rằng các dạng bài tập ra thi sẽ có cả bài tập lí thuyết lẫn bài tập tính toán. Bài tập lí thuyết có thể gặp là xác định số đồng phân; Xác định các chất X, Y, Z... ở một sơ đồ phản ứng; Đếm số phát biểu đúng, sai... Bài tập tính toán có thể gặp là tính % khối lượng hay thể tích của một chất trong hỗn hợp; Tính hiệu suất phản ứng; Tìm công thức phân tử chất hữu cơ . . .

Chúc em thành công

* Thưa thầy, kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ không ra cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Toán. Như vậy, thí sinh cần chú ý những phần kiến thức nào?

(Nguyễn Lân - Email: Lan.nguyen…@yahoo.com)

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn trả lời:  

Mặc dù Bộ Giáo Dục không ban hành cấu trúc đề thi tốt nghiệp nhưng Bộ vẫn có thông báo là kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT môn toán cơ bản nằm trong chương trình lớp 12. Vì vậy em cần ôn tập tốt 6 chủ đề được học trong chương trình môn toán lớp 12 như sau:

1.     Khảo sát và các bài toán liên quan.

2.     Mũ và Logarit.

3.     Nguyên hàm - Tích phân.

4.     Số phức.

5.     Hình học không gian.

6.     Hình học tọa độ trong không gian.

Chúc em có kế hoạch ôn tập hợp lý để đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.

* Em là học sinh lớp 12, về môn Sinh trường em các thầy cô dạy lý thuyết rất kỹ. Em phải học từng câu từng chữ trong đề cương. Cách học như thế liệu có hiệu quả không thưa thầy? Em cảm thấy rất nặng nề. Thưa thầy, em phải học thế nào để qua được bài thi tốt nghiệp sắp tới?

(Nguyễn Hà An - Email: Haan..@yahoo.com)

PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Môn Sinh 12 thi bằng hình thức thi trắc nghiệm nên không yêu cầu học thuộc lòng từng câu chữ nhưng có 2 yêu cầu quan trọng hơn

1. Đọc kĩ mỗi bài, nắm kiến thức chính (phần khung xanh sau mỗi bài). Sau đó ghi dấu những giải thích chi tiết trong phần bài học.

2. Luyện tập cụ thể các câu trắc nghiệm dành cho bài mà em vừa học. Nếu chọn được tài liệu câu hỏi trắc nghiệm bám sát chương trình phổ thông trong sách giáo khoa in 2013 thì em có thể làm rõ điều mà em chưa thấy được khi đọc bài.

Như vậy mỗi chương có những kiến thức trọng tâm. Nếu ôn và luyện theo hai yêu cầu trên em sẽ thấy thoải mái và hiệu quả hơn. 

Chúc em thành công

* Thưa thầy, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc an thần, tăng trí nhớ, tăng cường sức khỏe mùa thi, mẹ em mua cho em rất nhiều loại để dùng. Em rất hoang mang khi sử dụng các loại "thần dược" đó. Thầy có thể tư vấn giúp em cách ăn uống để giữ sức khỏe mùa thi mà không dùng thuốc được không ạ?

(Khánh Duyên - Email: Khangduyen...@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Khánh Duyên thân mến,

Trong mỗi mùa thi, học sinh đều phải có cố gắng hơn những ngày thường do đó cũng cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Tuổi các em là lứa tuổi mà chưa thật sự cần thiết phải uống các thứ thuốc an thần, các loại thuốc bổ mà chỉ những cụ già mới đáng dùng, càng không nên uống những loại thuốc được quảng cáo là tăng cường trí nhớ!

Theo thầy em cần tuân theo một số điểm sau đây

- Không được thứ quá khuya, không uống các chất kích thích để chống buồn ngủ, nên dậy sớm, học bài vào buổi sáng rất tốt.

- Ăn uống đầy đủ 3 bữa (không bỏ bữa), tăng chất đạm cho bữa ăn. Tăng cường ăn các loại rau, quả. Uống đủ nước.

- Dành thời gian nghỉ ngơi, tham gia thể dục, thể thao.

- Tâm lý thật thoải mái.

Chúc em khỏe, có mùa thi thắng lợi

* Thưa thầy, làm thế nào để nhận biết nhanh nhất về các phản ứng kết tủa

 (Đỗ Minh Hào - Email: tinhyeutoihat...@yahoo.com)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Thế thì em phải biết được chất nào kết tủa, chất nào tan được trong nước! Điều này cũng rất dễ nếu em biết rằng tất cả muối nitrat đều tan; tất cả muối cacbonat và photphat đều kết tủa (trừ cacbonat và photphat của kim loại kiềm và amoni) . . . Ngoài ta em cũng cần biết các phi kim hoặc oxit kim loại nào không tan trong nước thì sẽ kết tủa khi sinh ra trong dung dịch (ví dụ: Sục khí SO2 vào dung dịch H2S sẹ tạo kết tủa S; Sục khí C2H4 vào dung dịch KMnO4 sẽ tạo kết tủa MnO2 . . .)

Chúc em thành công!

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn

* Em chào thầy, mẹ em nói trong lúc ôn thi và đi thi, nên thường xuyên ăn các loại đậu thì sẽ đậu. Vì vậy ngày nào em cũng bị ăn đậu, hết nấu chè rồi hầm xương, nấu nước uống. Lúc đầu em ăn cảm thấy ngon nhưng lâu ngày ngán nên em chỉ ăn được ít, dẫn đến thiếu máu não. Mong thầy cho em lời khuyên để em lựa lời nói với mẹ em. Em cảm ơn thầy.

(Thúy Loan - Email: tranthuyloan...@yahoo.com.vn)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Quan niệm của mẹ em là không khoa học, nó chỉ mang tính tâm lý thôi. Làm việc trí óc, trong đó có học và ôn thi não của chúng ta cần một lượng đạm (Thịt nạc) rất lớn, nếu không đủ sẽ gây nên tình trạng lơ mơ, choáng,... mệt mỏi. Em hãy giải thích để mẹ hiểu mà thay đổi các món đậu bằng món ăn giàu đạm. Bây giờ việc phục vụ ăn uống cũng khá tiện ích, em có thể ăn thêm ở bên ngoài, vừa đủ đạm mà vẫn chiều được tâm lý lo lắng của Mẹ.

* Chào thầy, thầy có thể cho em biết có bao nhiêu dạng bài tập về Quy luật Menden - Quy luật phân ly độc lập, có thể ra trong đề thi không? Em cảm ơn thầy nhiều.

(Nguyễn Anh Thư - Email: Anhthu.nguyen…@yahoo.com)

PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Bài tập quy luật phân li và phân li độc lập của Menđen luôn có trong bài thi tú tài môn Sinh. Sau đây là một số dạng chủ yếu:

- Bài tập lai một cặp tính trạng thông thí nghiệm Menđen và tính khả năng xuất hiện kiểu gen đồng hợp hoặc dị hợp hoặc tính nhanh tỉ lệ kiểu hình của phép lai một cặp gen.

- Bài tập lai nhiều tính di truyền độc lập được tính nhanh bằng phương pháp lấy tích số các kết quả lai một tính riêng rẽ.

- Bài tập lai hai tính với quy ước trội lặn cho trước, tính kết quả lai về kiểu hình, kiểu gen ở thế hệ con.

* Thưa Thầy, phần bài tập môn Sinh sẽ chiếm bao nhiêu điểm trong tổng số điểm của bài thi ạ?

(Đỗ Kiệt Luân - Email: Luankietdo...@yahoo.com)

PGS Đỗ Thành Triết - Trưởng Bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Khuyến Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Sinh học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Khoảng 25% tổng số điểm tức có khoảng 10 bài toán trong tổng số 40 câu.

* Thưa thầy, có nhiều dạng Toán em đã làm khá tốt trước đây. Thế nhưng, sau 1 thời gian, em không còn nhớ và nhận dạng nhanh chóng được các dạng toán. Thầy có thể tư vấn giúp em cách để nhớ lâu các dạng Toán, phương pháp giải?

(Hoàng Kim Loan - Email: Kimloan.hoang…@yahoo.com)

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng - Giáo viên Toán, Trung tâm luyện thi trực tuyến Onthi.net.vn trả lời:

Để nhớ lâu các dạng toán và phương pháp giải, Thầy có mấy điều góp ý cho em như sau:

Khi học: cần chú ý ghi lại những bài toán điển hình, những dấu hiệu đặc biệt để nhận dạng. Cố gắng hệ thống khoa học như sử dụng bảng biểu, lược đồ.

Khi ôn: em nên thường xuyên tự ôn tập lại một cách có hệ thống các vấn đề đã học, cần thay đổi hình thức ôn tập để tạo cảm hứng và động lực cho tự ôn tập như: ôn tập bằng cách vẽ lược đồ tư duy, ôn tập bằng cách lập bảng so sánh kiến thức, ôn tập bằng cách học nhóm...

Khi luyện: là cần tăng cường các phương pháp rèn luyện kĩ năng nhận dạng bài tập như chủ động tìm các chuyên đề, các đề thi thử, đề thi tham khảo để rèn luyện kỹ năng nhận dạng bài toán. Trước khi làm bài cần dành chút thời gian hệ thống lại các phương pháp để từ đó có lựa chọn phương pháp phù hợp.

* Thưa thầy, khi làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa, em cần lưu ý những vấn đề gì?

(Phan Nguyễn Tường Hân - Email: tuonghanbaby...@gmail.com)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Chắc chắn em phải học bài cho kĩ và nắm vững cách giải các dạng bài tập rồi. Còn về kĩ thuật làm bài thì không nên mất thời gian cho những câu khó (các câu này nên đánh dấu lại để giải sau); không nên chừa trống các câu không trả lời được. Với các câu còn mù mờ về các phương án trả lời thì nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ bớt những phương án không đúng . . .

Chúc em thành công!

* Thưa thầy, Chương Hydrocacbon là chương quan trọng trong phần hóa hữu cơ. Xin thầy giúp em biết các kỹ năng làm bài tập chương này?

(Đặng Thị Ngọc Hân - Email: conmuarao...@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Để làm tốt chương này, em cần lưu ý: Các hidrocacbon đều có công thức chung CnH2n+2-2k (k là số liên kết pi hoặc số vòng); Các hidrocacbon no đều cho phản ứng đặc trưng là phản ứng thế; Các hidrocacbon chưa no đều cho phản ứng đặc trưng là phản ứng cộng;  hidrocacbon thơm vừa cho phản ứng thế, vừa cho phản ứng cộng. Ngoài ra em cũng cần biết rằng 3 liên kết pi trong vòng benzen không tác dụng được với dung dịch brom; Các ankyl benzen không làm mất màu dung dịch thuốc tím ở nhiệt độ thường nhưng làm mất màu dung dịch thuốc tím khi đun nóng; Các hidrocacbon có nối ba đầu mạch tạo được kết tủa vàng với dung dịch AgNO3 trong NH3...

Chúc em thành công! 

* Thưa thầy, em rất yếu phần hóa hữu cơ, xin thầy giúp em biết cách ôn tập tốt phần này?

(Võ Châu Tường - Email: realmansm...@yahoo.com.vn)

Thầy Nguyễn Đình Độ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân Tp.Hồ Chí Minh - Phụ trách Bộ môn Hóa học trang Onthi.net.vn trả lời:  

Nếu thi tốt nghiệp THPT thì điều này cũng không đáng ngại, còn thi Đại học thì điều này là không thể chấp nhận được rồi!

Thi tốt nghiệp THPT, em chỉ cần nắm lí thuyết trong lớp và các bài tập đơn giản là có thể yên tâm. Để hiểu rõ hơn, em có thể truy cập trang onthi.net.vn hoặc trang giaoducduhoc.plo.vn để học nhanh phần hữu cơ em nhé!

Chúc em thành công

* Thưa thầy, cứ mỗi lần bước chân vào phòng thi em thường lo lắng, quên hết kiến thức đã học trước đó. Thầy có thể tư vấn giúp em để giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi và khi vào phòng thi? Em cảm ơn thầy.

(Bích Phương - Email: phuonglovev...@plo.vn)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Bích Phương thân mến,

Trước kỳ thi khoảng vài tuần, em nên tự giải một số đề thi của các năm trước và tự đánh giá. Nếu em có kết quả khả quan thì em sẽ có niềm tin vào khả năng của mình, em sẽ không lo lắng khi vào phòng thi nữa.

Em cũng cần biết rằng  kỳ thi em sắp sửa vượt qua không quá ghê gớm, không quá quan trọng. Các bạn em cũng có năng lực cỡ như em thôi nhưng  mọi người vẫn vui vẻ thoải mái. Năm ngoái, năm trước có nhiều anh chi học lực cũng thường thôi mà vẫn đậu!

Trước khi vào phòng thi đừng cố nhớ phần này, phần kia. Lúc đó có thể bộ não em đang ở chế độ nghỉ ngơi, em tưởng là đã quên, dễ gây mất bình tĩnh. Khi làm bài em sẽ nhớ thôi, không lo lắng nhé.

Tinh thần thoải mái là rất quan trọng. Chúc em tự tin, chiến thắng!

* Thưa thầy, trong đề thi thường có những câu hỏi giúp phân loại thí sinh. Những câu hỏi đó thường rơi vào các phần nào?

(Trần Trọng Chinh - Email: ngoisaokythuat…@gmail.com)

TS Nguyễn Viết Đông - Trưởng Bộ môn Giáo dục Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh - - Phụ trách Bộ môn Toán trang Onthi.net.vn trả lời:  

Trọng Chính thân mến,

Câu hỏi khó trong đề thi tuyển sinh Đại học môn toán thường là:

- Giải phương trình, bất phương trình, hệ phương trình.

- Bất đẳng thức, tìm giá trị lớn nhất nhỏ nhất.

- Một vài ý trong bài hình học.

* Thưa thầy, trên thị trường có rất nhiều sách ôn thi tốt nghiệp THPT. Em muốn mua một số cuốn nhưng băn khoăn không biết chọn sách như thế nào? Em mong nhận được lời khuyên của thầy.

(Phan Nguyễn Xuân Duy - Email: Duy.phannguyen…@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Chủ tịch Hội đồng cố vấn trang Onthi.net.vn, Giảng viên Đại Học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trả lời:  

Sách là tổng hợp kiến thức của nhiều thế hệ, của nhiều thầy cô. Vì vậy em chỉ cần theo một cuốn sách là được. Em phải theo một cách có hệ thống, như vậy kiến thức của em sẽ hoàn thiện, đừng đứng núi này trông núi nọ thì muôn năm vẫn bị mất căn bản. Hiện nay trên trang web onthi.net.vn có chương trình ôn tập THPT. Em hãy vào và học tập miễn phí.

** Bạn đọc vào trang http://huongnghiep.plo.vn/để xem thêm các câu trả lời khác.

PLO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới