Ông Biden cấm bán USD cho Nga, cấm cả... rượu vodka

Tại Nhà Trắng ngày 11-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng với các đồng minh áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, sau khi Moscow tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Nga.

Trong lệnh trừng phạt lần này, ông Biden nhắm vào thương mại Nga và đóng cửa các quỹ phát triển, đồng thời ông cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, rượu vodka và kim cương của Nga, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REX/SHUTTERSTOCK

Theo đài RT, cũng trong ngày 11-3, Mỹ đã cấm xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán hoặc cung cấp, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ nước Mỹ hoặc từ một người Mỹ, tiền giấy mệnh giá USD cho chính phủ Nga hoặc bất kỳ cá nhân nào ở Nga.

Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng đối với Nga, nước xuất khẩu dầu lớn, vì hầu hết các hợp đồng dầu được thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ, theo RT.

Ông Biden cho biết các động thái kinh tế nói chung sẽ giáng một "đòn mạnh khác" vào nền kinh tế Nga, vốn đã bị đè nặng sau hàng loạt lệnh trừng phạt toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng đến đồng rúp và buộc thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa.

Ngoài ra, ông Biden một lần nữa chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin sau các cuộc không kích ở Ukraine.

"Ông Putin là kẻ gây hấn. Ông Putin là kẻ gây hấn. Và ông Putin phải trả giá" - ông Biden nói tại Nhà Trắng, đồng thời lưu ý rằng trước đó ông đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ông Biden còn cảnh báo rằng Nga sẽ phải trả một "giá đắt" nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại Ukraine. Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể mở đường cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà không cần viện dẫn bằng chứng.

Tại Nhà Trắng, ông Biden đã cùng các nhà lãnh đạo Nhóm 7 kêu gọi thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga, điều này sẽ cho phép các nước G7 tăng thuế quan và đặt hạn ngạch đối với các sản phẩm của Nga. Quốc hội Mỹ sẽ cần phải thông qua luật để thu hồi tình trạng thương mại và các nhà lập pháp gần đây đang thực hiện những bước đầu tiên để làm việc này.

Trong một tuyên bố chung, G7 nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn quyết tâm cô lập Nga khỏi các nền kinh tế của chúng tôi và hệ thống tài chính quốc tế".

Thương mại chiếm khoảng 46% nền kinh tế Nga vào năm 2020, trong đó phần lớn là với Trung Quốc hoặc liên quan các hoạt động xuất khẩu năng lượng đến châu Âu. Hiện chưa rõ những động thái này sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Nga như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới