Ngay sau khi ông Joe Biden được truyền thông Mỹ xướng tên là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 (dựa vào kết quả kiểm phiếu ở các bang), đã xuất hiện nhiều suy đoán rằng nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ là một “nhiệm kỳ Obama thứ ba”.
Không phải vô cớ ý kiến này xuất hiện. Ông Biden từng có tám năm làm phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Suy đoán càng nhiều hơn trong những ngày gần đây khi ông Biden lần lượt công bố các thành viên nội các, trong đó một phần không nhỏ là các nhân vật từng phục vụ dưới thời ông Obama, đặc biệt là các vị trí phụ trách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.
Hàng loạt gương mặt quen thuộc
Cụ thể, ông Jake Sullivan - cựu cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống (lúc đó là ông Biden) sẽ là cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống, cựu thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken được chọn vào vị trí ngoại trưởng, cựu thứ trưởng Quốc phòng Michèle Flournoy khả năng sẽ là bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Avril Haines được chọn là giám đốc Tình báo quốc gia, cựu cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon khả năng sẽ được chọn làm giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA). Cựu thứ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas được chọn làm bộ trưởng Bộ An ninh nội địa, cựu ngoại trưởng John Kerry được chọn làm đặc phái viên về khí hậu, cựu trợ lý ngoại trưởng Linda Thomas-Greenfield được chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Nhiều vị trí quan trọng sắp tới trong Nhà Trắng cũng được dành sẵn cho hàng loạt quan chức thời ông Obama.
Thậm chí một nhóm cấp tiến ở Mỹ đã cùng ký đơn kiến nghị phong tỏa không để ông Biden tuyển mộ lại ông Bruce Reed - cựu chánh văn phòng phó tổng thống (ông Biden hồi đó) vốn có quan điểm khắt khe với an sinh xã hội và bảo hiểm y tế, với lập luận “ông Biden không được lặp lại sai lầm của ông Obama”.
Nhà bình luận chính trị Charles M. Blow của tờ The New York Times cũng nêu quan điểm rằng bốn năm tới của ông Biden sẽ là “nhiệm kỳ Obama thứ ba”. Ông cho rằng ông Biden sẽ thực hiện cùng chính sách và quan điểm theo chủ trương ôn hòa giống ông Obama.
Ông Biden sẽ đi con đường riêng?
Trước suy đoán này, ngày 24-11, trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau ngày bầu cử, ông Biden khẳng định với đài NBC News rằng nhiệm kỳ của ông sẽ không phải là sự nối tiếp giai đoạn tổng thống của ông Obama, vì bối cảnh hiện tại của nước Mỹ đã khác nhiều dưới bốn năm của Tổng thống Donald Trump.
Tiêu điểm Chúng ta đang đối mặt với một thế giới hoàn toàn khác thế giới chúng ta từng đối mặt trong thời chính phủ Obama - Biden. Tổng thống Trump đã làm thay đổi bối cảnh. Nó trở thành nước Mỹ trên hết. Nó đã là nước Mỹ cô đơn. Ông JOE BIDEN
Theo tác gia David Litt , người chuyên viết các bài phát biểu cho vị Tổng thống Mỹ thứ 44 Obama, sẽ là sai lầm nếu xem nhiệm kỳ sắp tới của ông Biden là “nhiệm kỳ Obama thứ ba”. Theo ông, từ các bài phát biểu, vào chiến dịch tranh cử, vào đội ngũ của ông Biden có thể thấy rõ ràng ông Biden đang đi con đường riêng của mình.
Đương kim thống đốc Wisconsin (thuộc đảng Cộng hòa), ông Scott Walker, khẳng định “nhiệm kỳ Obama thứ ba” sẽ không xảy ra. Theo ông Walker, thời ông Obama, ông Biden không có nhiều quyền hành và ảnh hưởng đến chính sách nhưng một khi làm tổng thống, ông Biden thậm chí sẽ thiên tả hơn thời ông còn làm phó tổng thống. Điều này thể hiện qua việc ông chọn thượng nghị sĩ thiên tả Kamala Harris làm phó cho mình. Ông Biden cũng từng nêu chủ trương cắt giảm ngân sách cho cảnh sát sau sự vụ cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ người da màu đến chết dẫn đến làn sóng biểu tình kinh hoàng ở Mỹ vài tháng trước.
Ông Joe Biden giới thiệu các nhân vật đề cử vào nội các của ông ngày 24-11 (hàng sau từ trái qua: cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Avril Haines, cựu ngoại trưởng John Kerry, cựu trợ lý ngoại trưởng Linda Thomas-Greenfield, liên danh phó tổng thống - bà Kamala Harris). Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Walker cũng dẫn ra các chủ trương về nhập cư, an ninh biên giới của ông Biden và kết luận rằng ông Biden đã từ bỏ hoàn toàn các quan điểm về trật tự luật pháp mà ông đã giữ suốt nhiều thập niên qua, dĩ nhiên cả dưới thời ông Obama. Theo ông Walker, ông Obama không điều hành nước Mỹ cách này và những ai bỏ phiếu cho ông Biden với suy nghĩ sẽ tiếp nối “nhiệm kỳ Obama thứ ba” rồi sẽ không được như ý.
Trả lời phỏng vấn Hoàn cầu Nhật báo, nhà khoa học chính trị Graham Tillett Allison Jr. tại Trường chính sách công John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard và từng là trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giai đoạn 1993-1994) khẳng định nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ không phải là “nhiệm kỳ Obama thứ ba”.
Ông Allison dùng từ “ồn ào” để mô tả chính sách của chính phủ ông Trump với Trung Quốc. Đó không phải là chính sách của ông Obama và cũng sẽ không phải là chính sách của ông Biden nhưng không có nghĩa là hai chính sách của ông Obama và ông Biden sẽ giống nhau.
Theo ông Allison, nhiệm kỳ ông Biden sẽ khác nhiệm kỳ ông Obama và có thể nói chắc điều này qua hình dung về chủ trương của hai ông với Trung Quốc, mà chủ trương của ông Biden được đánh giá cứng rắn và rõ ràng hơn. Thời còn tranh cử, ông Biden đã nói rõ rằng ông xem Trung Quốc là một đối thủ không thể coi thường và ông xác định rằng Mỹ sẽ không chỉ cạnh tranh mà phải thắng cuộc đua này. Nhiều cố vấn của ông Biden cũng từng ra dấu hiệu rằng chính phủ sắp tới của ông Biden chắc chắn sẽ không “mềm mại” với Trung Quốc nhưng sẽ “thông minh” hơn trong đối phó với các bước đi của nước này.•
Bối cảnh nước Mỹ hiện khác gì bốn năm trước? Về đối nội, so với bốn năm trước, điểm khác dễ thấy nhất lúc này là nước Mỹ đang phải oằn mình vì đại dịch COVID-19. Mỹ là nước bị dịch hoành hành nặng nhất thế giới hiện nay với 12,7 triệu người nhiễm, trong đó hơn 261.000 người chết. Những ngày này, số ca nhập viện ngày sau lại phá kỷ lục ngày trước. Trước khó khăn này, ngay sau khi được xác định thắng cử, ông Biden đã lập đội phản ứng COVID-19 để giải quyết tình hình.
Điểm khác nữa là nước Mỹ đang trong thời khắc như ông Obama viết trong thư chúc mừng ông Biden là “đang chia rẽ sâu sắc và cay đắng”. Có thể nhìn thấy sự chia rẽ này qua hàng loạt vụ biểu tình sau bầu cử và đã xảy ra bạo lực giữa phe ủng hộ và phe chống ông Trump, qua việc phía ông Trump vẫn tích cực theo đuổi kiện tụng nhằm thay đổi kết quả bầu cử dù ông Biden đã được xác định là người thắng… Mức độ chia rẽ này không có vào thời điểm ông Obama mãn nhiệm bốn năm trước. Ông Biden nói rằng ưu tiên của ông là đoàn kết lại đất nước và hàn gắn chia rẽ chính trị. Ông Biden cũng cho biết ông đang cân nhắc chọn thêm nhân vật Cộng hòa hay các chính trị gia cấp tiến vào vị trí cấp cao. Nói với NBC News, ông Biden cho biết ông không có kế hoạch dùng Bộ Tư pháp như một cỗ máy để mở các cuộc điều tra nhắm vào ông Trump. Về đối ngoại, quan hệ giữa Mỹ và thế giới giờ quá khác bốn năm trước. Đi kèm với chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump là các động thái lạnh nhạt với đồng minh - đối tác; quyết liệt với đối thủ (rút khỏi nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, thương chiến với Trung Quốc...); giảm hiện diện và ảnh hưởng ở một số điểm nóng (như Trung Đông); rút khỏi nhiều thỏa thuận đa phương (như thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định khí hậu Paris…), nhiều thể chế quốc tế (Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc…).
(PLO)- Người đang đứng trước khả năng trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ tuyên bố người Mỹ “sẽ không chịu đựng” những nỗ lực làm chệch hướng kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 3-11.