Ông Biden trước áp lực phải thay đổi chiến lược với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn khi đối diện với hàng loạt thách thức đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc (TQ), trong bối cảnh nhiều vấn đề đối nội cũng đang tồn đọng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh ông Biden phải thay đổi chiến lược với TQ theo hướng cứng rắn hơn nữa nếu muốn tạo một nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ của ông và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm sau.

Sau nhiều đồn đoán, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 22-11 (giờ địa phương) đã chính thức xác nhận ông Biden có ý định tái tranh cử tổng thống vào năm 2024, theo hãng tin Reuters

Ông Biden gặp khó trong lẫn ngoài nước

Theo tờ South China Morning Post, truyền thông nhà nước TQ năm qua dường như có chiến dịch tổng tấn công hình ảnh của ông Biden khi thường gọi nhà lãnh đạo này là một tổng thống “yếu đuối”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu hồi tháng 10 còn đăng bài xã luận khẳng định chính phủ của ông Biden là chính phủ “yếu kém nhất trong lịch sử Mỹ”.

Người dùng mạng xã hội TQ cũng thường xuyên theo sát các cuộc thăm dò dư luận Mỹ về năng lực của ông Biden và đưa ra những nhận xét tiêu cực khi mức tín nhiệm của ông Biden rơi xuống mức thấp kỷ lục là 41% trong cuộc khảo sát mới nhất của tờ The Washington Post và hãng tin ABC News.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) tại hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16-11. Ảnh: AFP

Cũng trong cuộc khảo sát đó, hơn 70% cử tri Mỹ được hỏi gồm cả người ủng hộ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều cho rằng ông Biden đang đi sai hướng và khiến đất nước chia rẽ. Khảo sát mới nhất của đài CBS News và tổ chức YouGov cũng cho thấy đa số người dân không đồng tình cách ông Biden điều hành đất nước, với chỉ 4% người được hỏi còn tin tưởng vào tầm nhìn đối nội và đối ngoại của ông. Khoảng 20% ý kiến muốn ông Biden phải mạnh tay hơn với TQ và đánh giá TQ đang trở thành mối đe dọa kinh tế - chính trị ngày càng lớn.

Bình luận về vấn đề này, ông Huang Jing, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế và khu vực thuộc ĐH Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU), cho rằng với thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử thống đốc ở bang Virginia hồi đầu tháng, chính quyền Dân chủ của ông Biden đang ở vị thế “tương đối yếu”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) tại hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16-11. Ảnh: AFP

“Ngoài dự luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỉ USD mới được thông qua và Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên AUKUS với Úc và Anh, ông Biden hầu như chưa được nhiều thành tựu cả trong và ngoài nước. Nếu cứ duy trì màn thể hiện như vậy thì có thể nhà lãnh đạo này sẽ kết thúc năm thứ nhất trong nhiệm kỳ một cách mờ nhạt” - ông Huang nhận xét.

Trong bài viết cho tờ The OCR, ông Douglas Schoen, cố vấn chính trị của đảng Dân chủ, nhận xét rằng ông Biden dường như thiếu một chiến lược có hệ thống và mới mẻ cho vấn đề TQ. Hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 16-11 không đạt được kết quả gì đáng kể. Bắc Kinh vẫn tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu đối ngoại làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Mỹ. Đơn cử, ông Schoen chỉ ra TQ trong năm qua đã tăng tốc cải tạo các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông thành căn cứ quân sự do không gặp quá nhiều phản ứng từ Mỹ như thời Tổng thống Donald Trump.

Chính sách Trung Quốc của ông Biden cần thay đổi

Theo ông Gal Luft, Giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (Mỹ), “chính sách TQ của ông Biden có vẻ sẽ bị xét lại trong đợt bầu cử giữa kỳ” và ông “cần phải cứng rắn hơn với TQ nếu muốn củng cố vị thế trong nước”.

Theo chuyên gia này, việc danh sách quan chức Nhà Trắng tham gia hội nghị thượng đỉnh ngày 16-11 có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen là dấu hiệu cho thấy ông Biden dường như cũng đang muốn dùng vấn đề TQ để xoa dịu các thách thức đối nội. Bà Yellen từng gây chú ý hồi tháng 10 khi tổ chức họp báo tuyên bố nối lại các đàm phán về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và TQ.

Ông Luft cho rằng đây cũng có thể là tín hiệu cho thấy ông Biden muốn chuyển trọng tâm cạnh tranh với TQ từ quân sự - chính trị sang tài chính và nếu đúng như vậy thì bà Yellen sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Chuyên gia Huang Jing thì cho rằng sự xuất hiện của bà Yellen tại các cuộc tiếp xúc ngoại giao gửi đi một tín hiệu tích cực rằng hai bên vẫn rất ưu tiên các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là ổn định tài khóa. Việc đảm bảo ổn định tài khóa sẽ có lợi cho hai nước vì không bên nào muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khác xảy ra.

“Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu sự thay đổi nói trên của ông Biden có đem lại thay đổi gì mới so với cách tiếp cận cũ sáu tháng đầu năm 2021 cho vấn đề TQ hay không. Tuy nhiên, ông Biden thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài gia tăng sức ép theo hướng tăng dần” - theo ông Huang.•

Trung Quốc nên xem trọng ông Biden hơn

Ông Pang Zhongying, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại ĐH Hải Dương (TQ), thì đưa ra một góc nhìn khác khi cho rằng ông Biden là người hiểu rõ về TQ nên có cách tiếp cận có phần khác lạ so với các lãnh đạo Mỹ truyền thống.

“Ông ấy hiểu cách tìm điểm cân bằng giữa gây áp lực nhưng vẫn giữ liên lạc với Bắc Kinh và đang áp dụng để cố tình câu giờ trong lúc tìm cách hồi sinh mạng lưới đồng minh Mỹ, đồng thời củng cố sự ủng hộ từ các đồng minh và đối tác về chính sách với TQ” - ông Pang nói.

Cũng theo chuyên gia này, giới lãnh đạo Bắc Kinh lẫn truyền thông TQ nên coi trọng ông Biden hơn bởi ông là chính trị gia có lý trí và về cơ bản vẫn thân thiện với TQ, coi trọng hợp tác Mỹ - Trung hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Dù cạnh tranh, ông Biden vẫn sẽ tạo điều kiện để hai bên ngồi lại với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới