Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bày tỏ tin tưởng thỏa thuận nguyên tắc trần nợ công của họ sẽ được Quốc hội thông qua. Theo hãng tin Bloomberg, các tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến thời hạn Mỹ vỡ nợ theo dự báo, nếu thỏa thuận trần nợ không được thông qua.
“Thỏa thuận ngăn chặn cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất có thể xảy ra. Không bên nào có tất cả thứ họ muốn. Tôi kêu gọi mạnh mẽ cả 2 viện thông qua thỏa thuận này” - ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 28-5.
Cùng ngày, ông McCarthy cũng cho hay ông hy vọng đa số đảng viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận nguyên tắc vừa đạt được. Ông gọi đây là cách kiềm chế chi tiêu liên bang, mặc dù “nó có thể không đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong cuộc họp về trần nợ công hôm 22-5. Ảnh: AFP |
Ông McCarthy cho rằng 95% các đảng viên Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận. Trả lời phỏng vấn đài Fox News, ông nói: “Có thể thỏa thuận không giải quyết mọi thứ cho tất cả mọi người, nhưng đây là một bước đi đúng hướng mà không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được trong hôm nay”.
Theo Bloomberg, một quan chức thuộc đảng Dân chủ cho biết vào sáng sớm 29-5, các thành viên nội các của ông Biden và nhân viên cấp cao của Nhà Trắng đã thực hiện cuộc gọi vận động hành lang cá nhân tới ít nhất 60 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện, đề nghị họ bỏ phiếu ủng hộ.
Trước đó, vào tối 27-5, ông Biden và ông McCarthy tối đã có cuộc gọi 90 phút và đạt thỏa thuận nguyên tắc nhằm nâng trần nợ. Theo hãng tin Reuters, hai bên đã thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm (đến 2025), đổi lại chính phủ Mỹ phải giới hạn chi tiêu tùy ý phi quốc phòng ở mức năm 2023 trong năm 2024 và tăng thêm 1% vào năm 2025.