Bế tắc nâng trần nợ công Mỹ, lỗi của ai?

(PLO)- Bế tắc trong việc nâng trần nợ công Mỹ không chỉ khiến đảng Dân chủ và Cộng hòa chia rẻ, mà còn làm nội bộ đảng Dân chủ lục đục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quá trình đàm phán trần nợ công giữa Hạ viện Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa đạt được kết quả nào rõ ràng. Nhưng trước hết, nó đã khiến chính giới Mỹ đau đầu, tạo nên sự chia rẻ không chỉ giữa 2 đảng mà còn khiến nội bộ đảng Dân chủ lục đục.

Cuộc đàm phán về trần nợ công giữa đại diện Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ ngày 24-5 diễn ra tại Điện Capitol. Ảnh: AP

Cuộc đàm phán về trần nợ công giữa đại diện Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ ngày 24-5 diễn ra tại Điện Capitol. Ảnh: AP

Lỗi của ai?

Trong cuộc họp báo hôm 24-5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên bố bế tắc trong việc đàm phán trần nợ công không phải do lỗi của ông. Theo tờ The New Republic, trong cuộc phỏng vấn kéo dài chỉ 13 phút, ông McCarthy đã nhấn mạnh cụm “không phải lỗi của tôi” đến 5 lần.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, ông McCarthy vẫn lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận trong tuần tới - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ dự đoán họ sẽ hết tiền mặt để thanh toán các hóa đơn.

Trước bối cảnh Washington tiến gần hơn đến một cuộc vỡ nợ chưa từng có trong thời hiện đại, gây ra những làn sóng chấn động trên toàn cầu, các thị trường tài chính đã có dấu hiệu chao đảo.

Trước mối lo này, ông McCarthy cam đoan: “Chúng ta sẽ không vỡ nợ”. Ông cho biết các nhà đàm phán đã “đạt được một số tiến bộ” tại các cuộc thảo luận ở Nhà Trắng. “Tôi muốn làm việc chăm chỉ nhất có thể và không dừng lại” - ông nói.

Nhà Trắng đổ lỗi cho đảng Cộng hòa vì đã mạo hiểm để xảy ra nguy cơ vỡ nợ nghiêm trọng, cảnh báo có thể ảnh hưởng đến “mọi miền đất nước”. Nhà Trắng cũng chỉ trích yêu cầu cắt giảm chi tiêu của đảng Cộng hòa là “cực đoan”, có thể gây tổn hại cho hàng triệu người Mỹ.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre chỉ trích áp lực giảm chi tiêu của đảng Cộng hòa. Bà gọi bế tắc đàm phán trần nợ công là “cuộc khủng hoảng nhân tạo” do các đảng viên Cộng hòa khởi xướng nhằm đưa ra “những đề xuất cực đoan”, làm tổn thương “mọi nơi trên đất nước, cho dù bạn đang ở bang nào”.

Cuộc họp báo hôm 24-4 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP

Cuộc họp báo hôm 24-4 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP

Từ khi bắt đầu cuộc đàm phán, Nhà Trắng đã sớm khẳng định họ không sẵn sàng trao đổi về việc cắt giảm chi tiêu. Họ yêu cầu quốc hội dỡ bỏ mức trần như những lần trước đây mà không đưa ra điều kiện ràng buộc nào.

Theo hãng tin AP, thời gian còn lại cho cả hai đảng là không nhiều. Ngày 24-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo “gần như chắc chắn” Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng vỡ nợ trong tháng 6. “Chúng ta đang chứng kiến một số căng thẳng trên thị trường trái phiếu kho bạc” - bà Yellen nói tại một sự kiện của tờ The Wall Street Journal.

Đảng Dân chủ lục đục

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ tại Hạ viện bày tỏ sự thất vọng về cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden trong việc đàm phán thỏa thuận trần nợ với các đảng viên Cộng hòa. Họ lo ngại các ưu tiên của đảng Dân chủ đã không được khẳng định mạnh mẽ và ông Biden đã không thẳng thắn trong việc từ chối các yêu cầu của đảng Cộng hòa.

Trong cuộc họp hôm 23-5, Hạ nghị sĩ Sheila Jackson Lee đã khuyến khích Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries yêu cầu Tổng thống Biden công khai phát biểu trước toàn quốc. Trong đó, nhà lập pháp đảng Dân chủ gợi ý ông Biden nên trình bày chi tiết về cách đảng Cộng hòa đang đùa giỡn với nền kinh tế và giải thích rõ vỡ nợ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ra sao.

Dù chưa chuyển đề nghị này đến tổng thống, ông Jeffries xác nhận sẽ có cách tiếp cận tích cực hơn để gửi thông điệp đến Nhà Trắng.

“Tôi mong nếu đảng Cộng hòa tiếp tục đùa giỡn với nền kinh tế Mỹ, gây nguy cơ vỡ nợ và đẩy chúng ta vào tình huống rất nguy hiểm, thì chúng ta sẽ nhận được phản hồi từ chính quyền và từ chính tổng thống” - ông Jeffries nói trong cuộc họp báo chiều 24-5.

Theo tờ The Washington Post, nhiều đảng viên Dân chủ tại Hạ viện còn bày tỏ sự không đồng ý về cách mà Nhà Trắng truyền thông với công chúng. Họ cho rằng đảng Cộng hòa đã tận dụng truyền thông tốt hơn trong quá trình đàm phán về trần nợ công.

“Thật bực bội. Ông McCarthy cảm thấy thoải mái khi nói chuyện về đàm phán trước công chúng. Đó thực sự không phải là dấu hiệu thể hiện thiện chí muốn đạt được thỏa thuận về trần nợ công” - Hạ nghị sĩ Daniel Kildeev nhận định.

Tổng thống Biden đã không tổ chức cuộc họp báo công khai nào liên quan đến các cuộc đàm phán kể từ ngày 21-5. Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Các nền công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật, ông Biden có nói về tình hình đàm phán, nhưng The Washington Post cho rằng điều đó không đủ để xoa dịu mối lo của các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries phát biểu trong cuộc họp báo hôm 24-5. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries phát biểu trong cuộc họp báo hôm 24-5. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre bác bỏ quan điểm cho rằng ông Biden không nói rõ ràng và không có quan điểm mạnh mẽ về đàm phán trần nợ công.

“Tổng thống đã nói nhiều lần vào cuối tuần qua. Tổng thống đã nói nhiều lần trong 5 tháng qua. Ngài ấy đã rất rõ ràng. Tôi cũng đã nói về điều này. Những người khác cũng đã nói về điều này. Nhóm kinh tế của chúng tôi cũng đã nói về điều này trên truyền hình - bà Jean-Pierre nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm