Cựu Tổng thống Dân chủ Mỹ Jimmy Carter cho biết ông sẵn sàng đại diện cho chính phủ Mỹ sang Triều Tiên nói chuyện giúp giảm căng thẳng đang gia tăng, New York Times cho biết ngày 22-10.
“Đúng vậy. Tôi sẵn sàng đi” - ông Carter nói với New York Times trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng của ông trong một nông trại ở thị trấn Plains, bang Georgia (Mỹ), khi được hỏi liệu đã đến lúc cần có bước đi ngoại giao và ông sẵn lòng thay mặt Tổng thống Donald Trump sang Triều Tiên hay không.
Ông Carter cho biết ông đã nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, cũng là một người bạn của ông nhưng không nhận được phản ứng tích cực. “Tôi đã nói với ông ấy rằng tôi sẵn sàng nếu họ cần tôi” - Tổng thống Carter lãnh đạo Mỹ năm 1977-1981, năm nay 93 tuổi.
Cựu Tổng thống Dân chủ Mỹ Jimmy Carter tại một cuộc họp báo ở bang Georgia (Mỹ) ngày 20-8-2015. Ảnh: REUTERS
Ông Carter cho biết giống như nhiều nhân vật khác trong chính phủ Mỹ, ông cũng lo lắng về các lời nói quan lại hiện nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng cho rằng Mỹ hơi tự tin thái quá về vai trò của Trung Quốc trong kiềm chế Triều Tiên.
“Họ muốn giữ gìn thể chế của mình. Và chúng ta đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên. Đặc biệt khi ông Kim, như tôi biết hiện giờ, chưa bao giờ đến Trung Quốc. Khác với ông Kim Jong-il từng đến và rất thân thiết với Trung Quốc”.
Mô tả ông Kim là một người “khó đoán”, ông Carter lo ngại khả năng ông Kim sẽ ra tay trước vì nghĩ ông Trump sẽ có hành động đe dọa Triều Tiên. “Tôi nghĩ ông ấy hiện đã có được vũ khí hạt nhân tiên tiến có thể hủy diệt bán đảo Triều Tiên và Nhật, cũng như một số lãnh thổ của chúng ta ở Thái Bình Dương, thậm chí có thể cả đất liền của chúng ta” - ông Carter nói trong cuộc phỏng vấn.
Ông Carter từng đến Triều Tiên năm 1994 trong thời Tổng thống Bill Clinton, khi khủng hoảng bán đảo Triều Tiên đang rất cao sau khi Triều Tiên trục xuất nhóm thanh tra Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Ông đạt được một thỏa thuận với ông Kim Nhật Thành, cố lãnh đạo Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên ngưng xử lý nhiên liệu hạt nhân để được bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Phần mình, Mỹ khi đó cam kết sẽ cung cấp dầu và xây hai lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên. Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ sau khi hai bên cáo buộc nhau không tuân thủ đúng các điều khoản đã đề ra.