Jimmy Carter, vị tổng thống Mỹ thứ 39, ngày 12-9 vừa có một bài phát biểu dài chỉ trích chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Trump. Theo ông, thay vì sự dân chủ, yếu tố tiền bạc trong chính trị đã khiến quyền lực bị gom về một nhóm đầu sỏ chính trị, đồng thời xem Tổng thống Donald Trump là một sự thất vọng trên trường quốc tế.
Những lời này được cựu Tổng thống Dân chủ 92 tuổi Carter đưa ra trong bài phát biểu trước người ủng hộ mình tại Trung tâm Carter. Dù không đề cập trực tiếp đến tên ông Trump nhưng những lời này đặc biệt chỉ trích hướng đi của nước Mỹ dưới thời ông Trump. Không đề cập đến các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về khả năng Nga thông đồng với đội ngũ ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, vị tổng thống thứ 39 có lời khuyên cho vị tổng thống thứ 45: “Gìn giữ hòa bình, thúc đẩy nhân quyền và nói sự thật”.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phát biểu tại một hội nghị ở bang Atlanta năm 2016. Ảnh: AP
Không đề cập đến các đe dọa của ông Trump đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thời gian qua nhưng ông Carter nói Mỹ nên đối thoại trực tiếp với ông Kim, tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình thay thế cho hiệp định ngừng chiến giúp ngừng cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1953 đến nay.
“Nếu tôi không trực tiếp đi, tôi sẽ gửi cấp dưới quan trọng nhất của mình đến Bình Nhưỡng ngay lập tức” - ông Carter nói, nhắc đến việc ông đã ba lần đến Triều Tiên sau khi rời ghế tổng thống dù các chính phủ Mỹ kế tiếp từ chối thương lượng với Triều Tiên.
“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ có bất kỳ tiến triển nào tới chừng nào chúng ta đối thoại với họ và đối xử tôn trọng họ - như giữa con người với nhau” - theo ông Carter. Ông cho rằng Triều Tiên muốn có một hiệp ước có thể đảm bảo Mỹ sẽ không tấn công mình trừ khi mình tấn công Mỹ hay đồng minh của Mỹ.
Ông Carter cũng bác bỏ sự lạc quan của ông Trump rằng có thể thiết kế hòa bình Trung Đông. Ông Trump chỉ đạo con rể Jared Kushner chịu trách nhiệm theo đuổi xử lý vấn đề đã kéo dài qua nhiều thời kỳ chính phủ Mỹ. Chưa biết sự việc sẽ tiến triển thế nào khi ông Trump rút lại quan điểm của các chính phủ Mỹ tiền nhiệm là công nhận giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
Ông Carter nói ông không cảm thấy có chút hy vọng nào rằng ông Trump sẽ có giải pháp mang lại “công bằng cho người Palestine”. Dù lên án lãnh đạo cả Israel và Palestine thiếu linh động trong tìm kiếm hòa bình nhưng ông Carter đặc biệt chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng minh của ông Trump, không có ý định theo đuổi giải pháp hai nhà nước.
Bài phát biểu của ông Carter có đề cập vấn đề Syria, cho biết Trung tâm Carter có tham gia nỗ lực chấm dứt nội chiến Syria. Ông và các thành viên khác trong trung tâm giữ sự gắn kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo khác, cố gắng đàm phán hòa bình.
Từ khi mãn nhiệm, ông Carter hầu như tránh xa chính trị đảng phái, không tham gia bất kỳ vai trò tích cực nào trong đảng Dân chủ. Dù thế ông vẫn hoạt động năng nổ trong khuôn khổ Trung tâm Carter, chủ yếu tập trung thúc đẩy nhân quyền, y tế cộng đồng và dân chủ trong bầu cử. Cùng hợp tác làm việc trong Trung tâm Carter còn có cựu Ngoại trưởng John Kerry.
Ông Carter là vị tổng thống có thời gian rời Nhà Trắng mà còn sống lâu nhất, gần 37 năm. Ông cũng là vị cựu tổng thống cao tuổi còn sống thứ hai và là vị tổng thống sống thọ thứ tư trong lịch sử tổng thống Mỹ, sau cựu tổng thống George H.W. Bush vừa bước sang tuổi 93.