Mỹ thăm dò Triều Tiên về đối thoại hạt nhân

Trong chuyến thăm Trung Quốc (TQ) hôm 30-9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu tiên xác nhận Washington đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí và tên lửa của nước này mà không có sự giúp đỡ từ bất kỳ quốc gia nào, kể cả TQ.

Không thông qua Trung Quốc

Nói với các PV sau cuộc hội đàm với các quan chức TQ hôm 30-9, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho hay: “Chúng tôi đang thăm dò, thế nên cứ tiếp tục theo dõi. Chúng tôi đã hỏi: Quý vị có muốn đối thoại không? Chúng tôi có vài kênh liên lạc mở ra với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không mù tịt thông tin”, theo Yonhap.

Ông Tillerson cho biết việc liên lạc với Triều Tiên diễn ra trực tiếp và Mỹ đã mở 2-3 kênh liên lạc với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về nội dung cũng như tần suất liên lạc. Ông Tillerson nhấn mạnh mục đích trước hết của việc liên lạc trực tiếp này đơn giản là tìm hiểu xem Triều Tiên thực sự muốn thảo luận gì.

Tờ Washington Post cho biết những kênh liên lạc trên có thể bao gồm các cuộc đối thoại giữa đại diện đặc biệt về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Joseph Yun với ông Pak Song Il - một thành viên cấp cao trong phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Hai người này đã gặp nhau vài lần trong năm nay để thảo luận về các tù nhân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter(phải)tại Bình Nhưỡng tháng 6-1994. Ảnh: THE CARTER CENTER

Khi được hỏi liệu những kênh liên lạc này có phải thông qua TQ hay không, ông Tillerson khẳng định: “Là trực tiếp. Chúng tôi có kênh liên lạc của riêng mình”.

Tờ New York Times đánh giá những bình luận trên của ông Tillerson là tín hiệu đầu tiên cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đã và đang cố gắng thực hiện những gì chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đã làm với Iran nhưng ở một phiên bản riêng. Đó là sử dụng hàng loạt kênh liên lạc ngoài hành lang, phần lớn là các cuộc liên lạc bí mật rồi sau nhiều năm thương lượng sẽ đưa đến kết quả là một thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Tillerson nhanh chóng phân trần sự khác nhau giữa tình hình Triều Tiên và Iran. Theo ông, Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, còn Tehran mới manh nha một chương trình có thể giúp họ sở hữu vũ khí đó.

Triều Tiên không hào hứng

 Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên hào hứng với đối thoại. “Các quan chức Triều Tiên cho thấy họ không quan tâm hay cũng không sẵn sàng đàm phán về việc phi hạt nhân hóa” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết.

Dù vậy ông Tillerson vẫn tỏ vẻ lạc quan rằng ngoại giao truyền thống sẽ giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên, bất chấp điều này đã thất bại trong các đời tổng thống Mỹ trước đây, theo Washington Post.

Ông Tillerson khẳng định mục đích cuối cùng của các cuộc thương lượng này là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều tiên - mục tiêu mà nhiều chuyên gia tin là nỗ lực liều lĩnh. Bởi lẽ Bình Nhưỡng đã nói rõ rằng kho vũ khí hạt nhân chính là xương sống của nước này và đã được công nhận trong hiến pháp Triều Tiên.

“Họ có thể thay đổi hiến pháp của họ. Đặc biệt là những người đang điều hành Triều Tiên, khá dễ để họ thay đổi nó” - ông Tillerson bày tỏ
lạc quan.

Tổng thống Trump trong những ngày đầu nhậm chức đã ban hành một chỉ thị vạch ra chiến lược gây sức ép lên Triều Tiên, trong đó có sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ và sử dụng khả năng không gian mạng trong quân sự, theo Washington Post. Theo đó, Bộ Chỉ huy không gian mạng của Mỹ đã nhắm vào các tin tặc được cho là thuộc cơ quan gián điệp quân sự của Triều Tiên có tên Tổng cục Trinh sát bằng cách tấn công các máy chủ của họ, ngăn họ truy cập Internet. Chỉ thị còn bao gồm các chỉ đạo cho nhà ngoại giao và quan chức nêu vấn đề Triều Tiên trong từng cuộc đối thoại với đối tác nước ngoài và yêu cầu họ cắt mọi quan hệ với Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, chỉ thị của Tổng thống Trump còn chỉ đạo Bộ Ngân khố tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế vào các công ty, cá nhân Triều Tiên cũng như người nước ngoài làm ăn với Triều Tiên.

_________________________

1994 là năm cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến Triều Tiên để đàm phán với Chủ tịch Kim Nhật Thành nhằm ngăn một cuộc chiến tranh sắp nổ ra giữa Mỹ-Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm