Ông Đinh La Thăng có “lợi ích nhóm”, ưu ái cho PVC?

Tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng từng khai việc PVN chỉ định thầu với PVC tại dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 xuất phát từ Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính trị liên quan đến chiến lược phát triển PVN và triển khai chủ trương của Chính phủ…

Không có chủ trương chỉ định thầu cho PVC

Theo đại diện VKS, Kết luận 41 của Bộ Chính trị đưa ra chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 là ngành kinh tế quan trọng...; xây dựng PVN vững mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế… Kết luận 41 không hề đề cập đến dự án NMNĐ Thái Bình 2 và càng không đề cập đến việc chỉ định thầu cụ thể.

Tại Công văn 906 của Chính phủ trả lời văn bản của PVN do ông Đinh La Thăng ký (đề xuất cho PVC làm tổng thầu dự án) thông báo ý kiến của Thủ tướng, trong đó Thủ tướng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án… Như vậy có đủ cơ sở khẳng định Chính phủ không có bất cứ văn bản nào đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm nhà thầu như một số luật sư (LS) đề cập mà Chính phủ yêu cầu phải chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực.

Theo đại diện VKS, ngày 2-12-2010 và 7-12-2010, chủ tịch HĐTV và TGĐ PVPower đã có văn bản báo cáo ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực về việc nếu chuyển đổi công nghệ thì dự kiến phải tháng 6-2011 mới ký kết được hợp đồng EPC do phải lập dự án đầu tư hiệu chỉnh, lập thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, lập tổng dự toán...

Ngày 24-2-2011, ông Thăng ký phê duyệt thiết kế hiệu chỉnh dự án và ủy quyền cho HĐTV PVPower phê duyệt dự án đầu tư. VKS cho rằng thời điểm này ông Thăng đã biết được dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được lập nhưng chỉ bốn ngày sau (ngày 28-2), PVPower và PVC đã ký Hợp đồng 33 trong khi chưa có tổng dự án, chưa có hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu... “Hợp đồng 33 có nhiều nội dung không có thời hạn, tức là lập khống về tài liệu” - VKS kết luận.

Đại diện VKS tại tòa. Ảnh: TTXVN

Cũng theo đại diện VKS, ngày 13-5-2011, nguyên phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh đã thay mặt PVN cùng với PVC và PVPower ký Hợp đồng 4194 điều chỉnh chủ thể hợp đồng từ PVPower sang PVN với nội dung PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm của PVPower. VKS sau đó dẫn lời một bị cáo khai tại tòa là Hợp đồng EPC 33 chỉ có tám trang, Hợp đồng 4193 chỉ có hai trang. Hợp đồng 33 chỉ là sự phù phép cho việc PVC rút tiền từ PVN. “Việc ký Hợp đồng 33 cùng với việc PVN tạm ứng tiền cho PVC trái quy định cho thấy thực chất việc ký kết hợp đồng không phải là để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện gói thầu NMNĐ Thái Bình 2 mà chỉ nhằm mục đích hợp thức việc chuyển tiền cho PVC” - VKS nhận định.

Đại diện VKS cũng cho rằng việc PVC thu hồi 1.240 tỉ đồng (tính đến ngày 13-9-2016) là thu hồi trong nội bộ PVC, không liên quan đến việc thu hồi tiền của PVN đối với số tiền đã tạm ứng cho PVC nhưng bị sử dụng sai mục đích. PVC đã chiếm dụng của PVN 1.115 tỉ đồng. Số thiệt hại được tính trong kết luận giám định chỉ dừng ở ngày 20-3-2012, cách xa thời điểm PVN thu hồi tiền tạm ứng cho PVC là ngày 20-11-2017 (với số tiền 1.080 tỉ đồng). “Không có căn cứ nào cho rằng PVC đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như LS và các bị cáo đã nêu” - đại diện VKS khẳng định.

PVC chịu chi phí phát sinh 155 tỉ đồng/năm

Theo đại diện VKS, PVC không đáp ứng kinh nghiệm trở thành tổng thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2. “Chính bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa thừa nhận thời điểm đó chỉ có Lilama có đủ năng lực” - đại diện VKS nói. Hệ lụy từ việc không có năng lực tổng thầu là thời gian thi công dự án đã kéo dài gần gấp đôi; nếu phạt hợp đồng EPC sẽ lên tới hàng trăm triệu USD và PVC cũng chịu chi phí phát sinh rất lớn, tới 155 tỉ đồng/năm.

LS Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) phản bác: “Thời điểm đó các bị cáo đều xác định nếu xét về mặt kinh nghiệm chỉ có Lilama đủ điều kiện nhưng dự án nào cũng đưa Lilama vào thì sẽ dẫn đến độc quyền, kìm hãm sự phát triển”.

LS Đào Hữu Đăng (cũng bào chữa cho ông Thăng) bổ sung: “Nói PVC chưa từng thực hiện dự án lớn như vậy, chưa từng là tổng thầu để đánh giá PVC không đủ năng lực thì có hợp lý hay không?”. LS Đăng cho rằng nếu căn cứ vào tiêu chí này thì sẽ không có cầu Chương Dương vì thời điểm đó không có DN nào đủ năng lực xây cây cầu này, không có các thủy điện Sơn La, Lai Châu...

Có hay không lợi ích nhóm?

Đại diện VKS cho rằng xét về mối quan hệ, ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận đều do ông Đinh La Thăng tiếp nhận về PVN, được cất nhắc, bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt của PVC (chủ tịch HĐQT và TGĐ). Do vậy, dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn tài chính, không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm thực hiện thi công dự án NMNĐ Thái Bình 2 nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Thăng vẫn ưu ái bỏ qua các quy định pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo các bị cáo tại PVN, PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC để ông Thanh cùng đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước. “Điều này cho thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm của các bị cáo” - đại diện VKS nói.

LS Nguyễn Huy Thiệp đáp lại: “Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp mang lại cho ông Thăng lợi ích gì? Quy trình cất nhắc, bổ nhiệm này có điểm nào sai, không phù hợp? Nếu có chỉ ra thì đó là căn cứ để thấy rằng có mối quan hệ ràng buộc. Còn người lãnh đạo thấy một cán bộ trong đơn vị của mình tốt, đáp ứng được yêu cầu, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì thậm chí phải tìm mọi cách để móc nối, câu kéo để lôi nhân sự ấy về chứ. Đó là chuyện bình thường chứ đâu phải vì cất nhắc, bổ nhiệm mà ưu ái”.

LS Thiệp cho rằng nhận định của đại diện VKS là suy diễn, không dựa trên bất kỳ một căn cứ nào. “Nếu nói rằng lợi ích nhóm xuất phát từ việc này thì phải chỉ ra lợi ích gì, cho nhóm nào” - ông nói thêm.

LS Đào Hữu Đăng cũng cho rằng tuyệt nhiên không có ai có lợi ích cá nhân trong việc làm trái này. “Không có lợi ích cá nhân sao lại có lợi ích nhóm?” - LS Đăng đặt câu hỏi. Cạnh đó, theo LS Đăng, suốt quá trình điều tra, cơ quan tố tụng không hề điều tra những bị can trong nhóm tội cố ý làm trái về lợi ích nhóm, không hề có lời khai, các bị can không được trình bày họ có lợi ích nhóm hay không nhưng khi xét xử, đại diện VKS lại kết luận như vậy.

LS Phạm Công Hùng (bào chữa cho nguyên phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh) thì cho rằng BLHS hiện hành không có hành vi nào xác định lợi ích nhóm là một tình tiết tăng nặng hay là một hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. “Nếu cơ quan áp dụng pháp luật đưa ra một khái niệm khác luật để đề nghị xử lý những người vi phạm thì không hợp lệ” - ông Hùng nói.

LS Trần Hồng Phúc (cũng bào chữa cho ông Khánh) nói trong cấu thành tội phạm tội cố ý làm trái… không có yếu tố tư lợi nên VKS quy buộc có lợi ích nhóm là không phù hợp.

Nhiều bị cáo được đề nghị giảm nhẹ hình phạt

Theo đại diện VKS, nguyên chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển, ngoài các tình tiết giảm nhẹ được nêu trong luận tội của VKS thì còn có tình tiết giảm nhẹ là tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền 2,7 tỉ đồng trong tổng số tiền tham ô 13 tỉ đồng.

Nguyên phó trưởng Ban Kế toán và kiểm toán PVN Lê Đình Mậu vai trò phạm tội có mức độ. Nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch Lương Văn Hòa và nguyên kế toán trưởng PVC Phạm Tiến Đạt có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt có thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật giải quyết sớm vụ án nên đề nghị HĐXX giảm mức án cho các bị cáo so với mức đề nghị trước đó của VKS.

Đối với nguyên phó chủ tịch HĐQT PVC Nguyễn Ngọc Quý, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS không đề nghị buộc các bị cáo Quý, Mậu, Đạt và nguyên phó TGĐ PVC Nguyễn Mạnh Tiến phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.

Không cho hưởng một tình tiết giảm nhẹ

Trong phần tranh luận, đại diện VKS bảo lưu nhận định ông Đinh La Thăng và một số bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới... Theo vị này, các LS cần tách bạch hai vấn đề: Quyền của bị cáo và nhận định, đánh giá của cơ quan tố tụng về thái độ, nhận thức của bị cáo đối với hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

VKS thấy rằng đủ cơ sở buộc tội các bị cáo trên về hành vi cố ý làm trái nhưng quá trình điều tra và tại phiên tòa, họ đều phản bác, không thừa nhận, cho rằng sai phạm đó là của cấp dưới, chỉ nhận phần trách nhiệm thiếu kiểm tra, kiểm soát nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định. “Tình tiết này được hiểu là người phạm tội phải thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình và thực sự ăn năn hối cải về sai phạm” - đại diện VKS lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới