Sáng 15-5, tại phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cử tri đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trình bày báo cáo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, công tác này tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
“Các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước” - theo ông Đỗ Văn Chiến.
Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và Nhân dân giao phó.
“Cử tri và Nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này; đồng thời cũng còn băn khoăn, lo ngại về một số thông tin thất thiệt hòng lợi dụng tình hình, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ” - ông Đỗ Văn Chiến nói và bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả đề phòng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin “xấu độc” ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được.
Ông Đỗ Văn Chiến thông tin cử tri, cán bộ, công chức, viên chức đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và cố gắng của ngành Nội vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Chính phủ, ngành Nội vụ cũng chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân để có sự điều chỉnh cần thiết trong việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…
Công tác tiếp dân, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở một số địa phương sau giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và HĐND các cấp đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn ở một số địa phương, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách không còn vị trí làm việc chưa được quan tâm giải quyết.
Một số trụ sở xã, tài sản, kiến trúc ở cấp huyện sau sáp nhập chưa được sử dụng hiệu quả, còn lãng phí.
Đặc biệt, “kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”- theo ông Đỗ Văn Chiến.
Rà soát để triển khai chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024
Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Cạnh đó, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc” hòng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ làm giảm sút uy tín của lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ cũng đánh giá mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng đều vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân; đều rất đúng và được Nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập, cá biệt có chính sách bị chi phối bởi lợi ích cục bộ (không loại trừ lợi ích nhóm) làm cho người dân rất băn khoăn.
Vì vậy, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, kịp thời giải quyết hiệu quả bốn việc.
Trong đó, có việc tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt.
Đồng thời, giải quyết đủ nước sinh hoạt cho người dân ở một số vùng khó khăn như ở vùng núi, vùng Tây Nam bộ.
“Có thể hiểu đây là mặt hàng thiết yếu nên nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - theo ông Đỗ Văn Chiến.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.
Đặc biệt, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024.
Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.