Theo đài CNN Philippines, trong một tuyên bố chung ngày 29-8, một bộ ba quyền lực ở Philippines đã kêu gọi Tổng thống nước này - ông Rodrigo Duterte đưa phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ra cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
(Từ trái sang) Cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales, cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio và cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario giục ông Duterte đưa phán quyết Biển Đông ra LHQ. ẢNH: CNN PHILIPPINES
Ba người này giục ông Duterte phải sử dụng thời gian còn lại của nhiệm kỳ để vận động được sự ủng hộ của 193 quốc gia thành viên LHQ đối với phán quyết ủng hộ các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, đồng thời vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
"Tổng thống Duterte phải đưa ra phán quyết Biển Đông ra Đại Hội đồng LHQ vào tháng 9 này vì ông ấy sẽ có thêm một cơ hội để nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia hơn tại diễn đàn này vào năm tới " - trích từ tuyên bố chung của bộ ba quyền lực này.
Bộ ba quyền lực này cũng bác bỏ nhận xét trước đó của đương kim Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. rằng không cần phải "kiện tụng lại" vụ kiện của Philippines.
"Việc đưa ra phán quyết Biển Đông ra Đại Hội đồng LHQ không phải là khởi kiện lại vụ án. Đó là thực thi phán quyết vì chúng ta đã thắng" - họ đáp trả.
“Philippines có lập trường mạnh nhất trong số tất cả các quốc gia để đưa vấn đề Biển Đông lên hàng đầu” - theo ba nhân vật này.
Bộ ba nói thêm rằng người Philippines không được lãng phí cơ hội để được lắng nghe, điều mà họ đã đánh mất trong quá khứ do gác lại phán quyết Biển Đông kể từ năm 2016.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài CNN Philippines ngày 28-8, ông Locsin nhắc lại lập trường của mình rằng việc nêu ra các hành vi sai trái của Trung Quốc trước Đại Hội đồng LHQ chỉ kích hoạt mở lại vụ kiện theo hướng không có lợi cho Philippines.
Tuy nhiên ông Locsin cũng nói rằng ông sẽ khuyến nghị chấm dứt các hợp đồng của chính phủ với các công ty Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp.