Theo đơn kiện của Philippines, tháng 7-2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế ra phán quyết bác tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc bao trùm gần hết biển Đông.
Từ khi lên làm tổng thống Philippines năm 2016, ông Rodrigo Duterte chủ trương gác lại phán quyết này để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vài tháng gần đây, trước sự hung hăng của Trung Quốc, ông Duterte nói sẽ xúc tiến việc thực thi phán quyết.
Philippines: Tạm hoãn cuộc chiến đơn độc
Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 8, ông Duterte đã đề cập phán quyết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là từ chối công nhận phán quyết. Đến đầu tháng 9, ông Duterte nói ông sẽ tạm gác lại phán để hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc.
Người dân Philippines phản đối hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Teodoro Locsin Jr. - Ngoại trưởng Philippines bảo vệ việc chính phủ nước này không đưa phán quyết biển Đông ra thách thức Trung Quốc.
Theo lời ông Locsin, ASEAN đã không tìm được sự ủng hộ với phán quyết tại nhiều nhóm đa phương như ở diễn đàn Phong trào Không liên kết (NAM) của 120 nước đang phát triển.
“Chúng ta thua tại NAM ít nhất ba lần kể từ khi tôi làm việc ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) và giờ ở vị trí này (Ngoại trưởng Philippines)”, ông Locsin nói.
Ông Teodoro Locsin Jr. – Ngoại trưởng Philippines không ủng hộ đưa phán quyết biển Đông ra thách thức Trung Quốc lúc này. Ảnh: GETTY IMAGES
Vì thế, theo ông Locsin, “chuyện tái tranh chấp vấn đề tương tự không phải là ý tưởng hay”.
“Ảnh hưởng của Trung Quốc không thể chống lại… Giá trị phán quyết The Hague quá lớn để có thể bị mất trong một cuộc chiến đơn độc” – ông Locsin nói, đồng thời khẳng định Philippines vẫn không từ bỏ theo đuổi tìm kiếm sự ủng hộ với phán quyết ở mọi diễn đàn.
Chuyên gia: Philippines không đơn độc
Hiện nhiều chuyên gia và học giả đang tích cực đề nghị Philippines đưa phán quyết ra LHQ. Ông Bill Hayton - chuyên gia, học giả về biển Đông đồng thời là một nhà báo - nói ông thất vọng với việc Philippines từ chối thách thức Trung Quốc.
Theo chuyên gia Hayton - tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu giành quyền lực ở châu Á”, Philippines không đơn độc trong cuộc chiến tìm công lý vì luật pháp quốc tế đứng về phía Philippines. Ông Hayton khẳng định “Philippines có nhiều bạn bè khắp thế giới và những nước bạn này mong muốn được giúp đỡ”.
Ông Bill Hayton - chuyên gia, học giả về biển Đông khẳng định Philippines không đơn độc trong cuộc chiến tìm công lý vì luật pháp quốc tế đứng về phía nước này. Ảnh: YOUTUBE
Chuyên gia Hayton dẫn ra việc 28 nước Liên minh châu Âu và các quốc gia G7 đã tuyên bố ủng hộ về pháp lý với Philippines.
“Các bạn có luật pháp quốc tế đứng về phía mình. 28 nước EU ra tuyên bố đồng ý ủng hộ các bạn. G7 ra tuyên bố kêu gọi tôn trọng các quy định hàng hải. Một đồng minh theo hiệp ước cam kết bảo vệ tàu các bạn. Các bạn có một đội ngũ nhà ngoại giao giỏi. Philippines còn cần gì thêm nữa?”, chuyên gia Locsin đặt câu hỏi.
Dù Philippines nói mình không có nhiều phương án hành động với Trung Quốc nhưng nhiều chuyên gia nhận định Philippines đã không cố gắng khai thác ưu thế ủng hộ của luật pháp quốc tế để giúp mình. Chuyên gia Hayton nói ông không thấy “dấu hiệu hành động từ Manila thúc đẩy quyền lợi của Philippines”.
Philippines nói vẫn không từ bỏ theo đuổi tìm kiếm sự ủng hộ với phán quyết ở mọi diễn đàn. Ảnh: GETTY IMAGES
Chuyên gia Hayton không phải là người duy nhất đề nghị Philippines nêu chiến thắng phán quyết biển Đông ra LHQ.
Tuần trước, ông Albert del Rosario – cựu Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng Philippines phải đưa sự việc lên LHQ.
Ông Rosario giải thích Manila nên đưa chuyện các bên tranh cãi quanh phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực lên LHQ để vấn đề này được gần 200 lãnh đạo thế giới lắng nghe và bàn bạc. Vì theo ông, LHQ không chỉ ủng hộ quy định luật pháp mà còn là nơi đưa ra các quan điểm thế giới.
Ông Rosario tin tưởng người kế nhiệm Locsin có đủ khả năng “làm những điều cần thiết” để tìm kiếm kết quả từ phán quyết.
“Như chúng tôi đã nói trước đó, điều này sẽ tốn thời gian và phải nỗ lực nhưng có thể làm được”, theo ông Rosario.