Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giữ đúng lời hứa đề cập phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bao trùm gần hết biển Đông khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29-8.
Phán quyết của Tòa trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, được xem là một chiến thắng lớn của Philippines cũng như các nước cùng tranh chấp biển Đông với Trung Quốc.
Tuy nhiên, kết quả không khác trước. Đáp lời ông Duterte, ông Tập chỉ đơn thuần nhắc lại rằng Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết.
“Ông ấy (Tổng thống Duterte) nói phán quyết trọng tài là kết luận sau cùng, có giá trị ràng buộc và không kháng lại. Đáp lại, Chủ tịch Tập nhắc lại quan điểm của chính phủ ông ấy không công nhận phán quyết trọng tài và quan điểm này không lay chuyển” - trang tin Rappler dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn tổng thống Philippines, thông báo ngày 30-8.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai bên phải) tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ hai bên trái) tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 29-8. Ảnh: RAPPLER
Thái độ của ông Tập không mới. Từ năm 2016 khi phán quyết ra đời, bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Đông, Trung Quốc vẫn duy trì chủ trương không công nhận và không thực hiện phán quyết này. Với Trung Quốc, phán quyết này “không gì hơn một mẩu giấy lộn”.
Nhiều chuyên gia luật hàng hải không chờ đợi nhiều vào kế hoạch của ông Duterte đưa phán quyết biển Đông ra với ông Tập.
Ngay cả thẩm phán cấp cao Antonio Carpio - Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines cũng cho rằng ông Duterte phải làm nhiều hơn nữa thay vì chỉ đơn thuần đưa phán quyết ra với ông Tập.
Theo ông Carpio, để thay đổi thái độ của Trung Quốc ở biển Đông, lãnh đạo Philippines cần huy động được sự ủng hộ quốc tế với phán quyết, đồng thời thực hiện các biện pháp an ninh, chẳng hạn triển khai thêm nhiều tàu cảnh sát biển ra tuần tra biển.
Trong cuộc gặp hôm qua, ông Duterte cũng nhấn mạnh việc cần phải có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) - vốn hiện đang được thương lượng giữa Trung Quốc và khối ASEAN - nhằm ngăn chặn đối đầu và xung đột ở biển Đông.
Ông Duterte và ông Tập đồng ý COC phải có được “trong những năm cuối” nhiệm kỳ của ông Duterte (nhiệm kỳ ông Duterte sẽ chấm dứt vào năm 2022). Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đặt thời hạn có được COC vào năm 2021.
Trong cuộc gặp, ông Duterte cũng đưa chuyện một tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines hồi tháng 6 ra với ông Tập. Theo người phát ngôn Panelo, ông Duterte đã “đánh giá cao sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc bồi thường cho các ngư dân của chúng tôi, những người suýt bị mất mạng” trong sự việc này.
Không lâu trước khi ông Duterte sang Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã công bố lời xin lỗi của người chủ tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân trôi trên biển. Số ngư dân này sau đó may mắn được các ngư dân trên một tàu cá Việt Nam cứu. Chính phủ Philippines cho biết chấp nhận lời xin lỗi này.
“Cả hai lãnh đạo thống nhất làm việc với nhau dựa trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau nhằm xử lý vấn đề biển Đông, và sẽ tiếp tục đối thoại hòa bình trong giải quyết xung đột” - ông Panelo nói.
Trong các cuộc gặp trước đây (đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ năm của ông Duterte), ông Duterte và ông Tập cam kết sẽ kiềm chế và tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 29-8. Ảnh: RAPPLER
Theo ông Panelo, “trong khi đồng ý sẽ vẫn còn các quan điểm khác nhau”, ông Duterte và ông Tập cũng thống nhất "sẽ không làm suy giảm tình hữu nghị" giữa hai nước.
Chuyện hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ở biển Đông là một chủ đề được quan tâm trong lần sang Bắc Kinh này của ông Duterte. Và chuyện này cũng được hai ông bàn đến trong cuộc gặp hôm qua.
Trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 11-2018, ông Tập đã ký một biên bản ghi nhớ với Philippines về việc này.
Theo ông Panelo, ban chỉ đạo chung về việc này gồm có các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng của Philippines và Trung Quốc. Ban chỉ đạo chung sẽ vạch ra khung hành động cho các công ty quan tâm đến chuyện thăm dò dầu khí.
Các chuyên gia cảnh báo nếu Philippines chấp thuận "gác tranh chấp, cùng khai thác" theo kiểu chơi của Trung Quốc thì đó sẽ là chiến thắng của Bắc Kinh. Việc này sẽ là tiền lệ nguy hiểm, tạo ảnh hưởng rất xấu đến các quốc gia khác ở biển Đông.