"Trong phiên làm việc ngày 29-8, Tổng thống Duterte đã đề cập phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một cách thân thiện, rõ ràng, dứt khoát. Ông Duterte cho biết phán quyết là kết luận cuối cùng, có tính ràng buộc và không thể kháng cáo", phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo trả lời báo giới hôm 30-8.
Tuy nhiên, ông Panelo cũng cho biết phía Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm của nước này là không công nhận phán quyết trọng tài và quan điểm này không lay chuyển.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 29-8. Ảnh: CNN
Phát ngôn viên Panelo khẳng định quan điểm cứng rắn của Trung Quốc là tín hiệu để ông Duterte không nên đề cập đến vấn đề này trong các buổi làm việc trong tương lai. "(Chúng tôi) sẽ không nhắc đến nữa. Chúng tôi đã nói về (phán quyết biển Đông 2016) rồi. Chúng tôi không muốn lặp lại điều đó", tờ The Inquirer dẫn lời ông Panelo khẳng định.
"Lãnh đạo hai nước đều đồng ý rằng sẽ không để những bất đồng giữa hai nước làm ảnh hưởng quan hệ hai bên mà nên cùng nhau tiến về phía trước. Tuy nhiên, vẫn sẽ xúc tiến đối thoại hòa bình trong tương lai", ông Panelo nói, khẳng định dù ông Duterte không thể đạt được mục tiêu đề ra là làm thay đổi lập trường của Trung Quốc, cuộc gặp lần này "không phải là một thất bại".
Theo phát ngôn viên Tổng thống Philippines, phán quyết 2016 và tranh chấp chủ quyền trên biển Đông "không nhất thiết" phải là "trọng tâm" trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình trong khu vực.
"Chúng tôi có rất nhiều những lĩnh vực khác (cần lưu tâm) như quan hệ thương mại, trao đổi chuyên gia, văn hóa và du lịch", ông Panelo giải thích. Dù vậy, ông xác nhận vẫn còn "trở ngại" do "hai nước vẫn không thể đồng thuận được khu vực nào (trên biển Đông) mà hai nước có thể cùng tiếp cận".
Các nghị sĩ đảng đối lập đã lên tiếng cho biết họ không hài lòng với những gì ông Duterte thể hiện trong cuộc gặp với ông Tập, cho rằng chủ nhân Điện Malacanang cần phải gây nhiều sức ép lên Trung Quốc như yêu cầu nước này dừng mọi động thái quân sự hóa trong khu vực.
"Việc ông Duterte cho đến nay mới bàn đến việc kích hoạt phán quyết biển Đông 2016 có lẽ đã quá trễ do Trung Quốc đã củng cố một sự hiện diện vững chắc (trên các thực thể đang tranh chấp) (...) Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cơ hội nếu chúng ta kêu gọi được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế nhằm tạo áp lực buộc Trung Quốc ngừng quân sự hóa biển Đông", Nghị sĩ Carlos Zarate tuyên bố.
Trong khi đó, Nghị sĩ Arlene Brosas chỉ trích ông Duterte đã đưa "cuộc sống của hàng triệu người dân Philippines lên bàn cân khi tiếp tục ký kết với Trung Quốc thêm nhiều khoản vay và hiệp định trong khi nước này thẳng thừng phản đối phán quyết của Tòa trọng tài".