Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang sốt ruột với tiến độ làm kinh tế nước này, theo thông tin từ Reuters ngày 19-7.
Thời gian gần đây ông Kim thường xuyên có những chuyến thị sát đến các địa điểm công nghiệp và các đặc khu kinh tế gần biên giới với Trung Quốc, một động thái củng cố đường hướng ưu tiên phát triển kinh tế vốn được ông tuyên bố hồi tháng 4.
Trong các chuyến thăm này, ông Kim có những lời lẽ khiển trách cứng rắn lãnh đạo các địa điểm công nghiệp vì chậm trễ trong các dự án xây dựng, chậm hiện đại các dây chuyền sản xuất, theo hãng thông tấn trung ương KCNA, cho thấy sự sốt ruột của ông với tiến độ phát triển kinh tế.
Khiển trách nặng lãnh đạo các nhà máy
Tuần rồi, thăm một nhà máy điện tại tỉnh Hamkyong (Đông Bắc Triều Tiên), ông Kim đã khiển trách các lãnh đạo nhà máy “không biết xấu hổ”, “thiếu tự trọng” và ông “không còn lời nào để nói” sau khi nhận thấy công tác xây dựng nhà máy chỉ mới hoàn thành 70% dù đã bắt đầu từ 17 năm trước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm huyện Sindo, tỉnh Bắc Pyongan. Ảnh được KCNA công bố ngày 30-6
Trong chuyến thăm một nhà máy sợi ở TP Siniiju, tỉnh Bắc Pyongan, giáp Trung Quốc đầu tháng này, ông Kim khiển trách nặng nề lãnh đạo nhà máy khi các lãnh đạo này chỉ biết than vãn thiếu nhiên liệu, thiếu tiền mà không tích cực cải thiện hoạt động nhà máy.
Từ đầu năm đến nay ông Kim xuất hiện trong 11 sự kiện kinh tế nhưng chỉ tham gia ba sự kiện quân sự, Reuters đưa dữ liệu từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Trong khi đó từ tháng 1 đến tháng 7 năm ngoái ông Kim tham gia 30 sự kiện quân sự trong khi chỉ tham gia 15 sự kiện kinh tế.
Thái độ và hành động của ông Kim khác hẳn cha và ông nội của mình trước kia là hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Kim Il-sung. Và theo nhiều chuyên gia, từ sự khiển trách này có thể thấy ông Kim đang muốn thúc nhanh tiến độ phát triển kinh tế đất nước.
“Giờ phát triển kinh tế là đường hướng chính của đảng cầm quyền Triều Tiên, ông ấy cần phải trưng ra kết quả nhưng có thể ông ấy nhận ra thực tế mọi thứ không hẳn tốt đẹp. Với người dân trong nước, ông ấy muốn nói đó không phải lỗi bản thân ông hay của các lãnh đạo công nghiệp mà do đường hướng của đảng, đồng thời khuyến khích các công dân làm việc nhiều hơn” - theo GS Koh Yu-hwan tại ĐH Dongguk (Hàn Quốc).
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy ở Sinuiju (Triều Tiên). Ảnh do KCNA công bố ngày 2-7
Theo chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên Michael Madden tại ĐH John Hopkins (Mỹ), người sáng lập trang web 38 North chuyên đưa thông tin về Triều Tiên, ông Kim đang nỗ lực tạo sự gắn kết giữa mình với người dân.
Xóa nghi ngờ về giải trừ hạt nhân
Theo các chuyên gia, ông Kim có thể cũng muốn qua hành động ưu tiên phát triển kinh tế, xóa đi nghi ngờ về cam kết giải trừ hạt nhân của mình.
Sau nhiều năm theo đuổi mục tiêu phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới nước Mỹ, ông Kim hồi tháng 4 tuyên bố ưu tiên phát triển kinh tế lên trên vấn đề hạt nhân-tên lửa. Tháng 6, ông Kim dự thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-6 ở Singapore và cam kết sẽ giải trừ hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy ở Sinuiju (Triều Tiên). Ảnh do KCNA công bố ngày 2-7
Lời hứa này không mang lại nhiều tin tưởng khi không đi kèm một lộ trình thời gian và cách thức cụ thể. Tiến trình đối thoại hạt nhân với Mỹ đang diễn ra và diễn tiến ông Kim quan tâm đến tiến độ phát triển kinh tế có thể giúp củng cố thêm niềm tin về ý định giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
“Trong khi cố gắng thu phục lòng dân, qua sự thể hiện đang nỗ lực hết sức phát triển kinh tế, ông Kim muốn xóa đi nghi ngờ về chuyện giải trừ hạt nhân” - theo GS Lee Woo-young tại ĐH nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc).
Muốn tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc
Điểm đến các chuyến đi thị sát kinh tế của ông Kim vừa qua chủ yếu là ở khu vực biên giới với Trung Quốc, cho thấy ông Kim đang xác định tăng cường phát triển kinh tế với Trung Quốc, theo nhà phân tích Hong Min tại Viện Thống nhất quốc gia (Hàn Quốc). Ông Kim từ tháng 5 đến nay đã sang Trung Quốc ba lần, ngoài ra còn có một lần gửi một phái đoàn cấp cao tham quan các khu kinh tế lớn của Trung Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy ở Sinuiju (Triều Tiên). Ảnh do KCNA công bố ngày 2-7
Bên cạnh nhận định trên, nhà phân tích cấp cao Shin Beom-chul tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) có cái nhìn tiêu cực hơn. Theo ông, mục tiêu của ông Kim có thể nhằm khuyến khích Trung Quốc bỏ lơ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc lên Triều Tiên.
“Thay vì xem Trung Quốc là một kiểu mẫu kinh tế, khả năng lớn ông ấy muốn mở rộng thương mại và hy vọng Trung Quốc dỡ bỏ bớt trừng phạt” - theo ông Shin.