Cuối tuần qua, ông lớn chuỗi cà phê Nhật Bản % Arabica đã thông báo về việc trả lại mặt bằng tại Diamond Plaza (quận 1, TP.HCM), ngay cả khi chưa kịp khai trương.
"Sau tất cả phản hồi của các bạn kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là nói lời tạm biệt với cửa hàng tại Diamond Plaza. Thay vào đó, % Arabica đang tập trung vào việc mang đến trải nghiệm cà phê lớn hơn và tốt hơn cho bạn"- thương hiệu Nhật Bản thông tin đến khách hàng về việc đóng cửa chi nhánh thứ 2 của mình.
Nhiều thương hiệu F&B đóng cửa chi nhánh
Không chỉ %Arabica, nhiều cửa hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM cũng diễn ra làn sóng trả mặt bằng.
Cuối tháng 5, mặt bằng khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) chứng kiến nhiều cuộc rút lui của các thương hiệu cà phê. Đơn cử hai "đứa con" của tập đoàn NovaGroup gồm cà phê PhinDeli và SaiGon Casa đồng loạt thông báo đóng cửa chi nhánh. Ngay cả thương hiệu Passio, Chuk Chuk cũng tháo chạy khỏi mặt bằng nơi đây.
Cà phê PhenDeli rút khỏi mặt bằng Hồ Con Rùa quận 3. ẢNH: THU HÀ |
Trước đó, chuỗi cà phê đình đám từ Trung Quốc Mellower Coffee cũng chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động. Café Saigon La Poste, Mc Donald’s (kế Bưu điện trung tâm Thành Phố) hay Cafe Central Villa Pasteur sở hữu mặt bằng vàng tại quận 3…cũng đóng cửa cài then.
Nằm ngay cung đường tấp nập nhưng một quán cà phê vẫn đóng cửa. ẢNH: THU HÀ |
Trao đổi với PLO, Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán Lẻ Savills TP.HCM, cho rằng: Đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi hoặc do làn sóng thay đổi để thích nghi của các nhà hàng diễn ra nhanh chóng (do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi), việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa cũng là điều có thể nhìn thấy rõ. Hàng năm, mỗi nhãn hàng đều đã lên sẵn kế hoạch kinh doanh của mình. Việc điểm bán hàng được mở ra hay đóng lại cũng đều được sắp xếp từ cuối năm trước đó.
"Riêng đối với F&B, vòng đời của một thương hiệu trong ngành thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng thì mới có thể phát triển bền vững.
Sau khi đạt được thành công ở TP.HCM, họ thường sẽ mở rộng cơ sở đến thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Còn với một số nhãn hàng, sau khi đã đạt được mục tiêu quảng bá thương hiệu nhờ mặt bằng đắc địa, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt bớt chi phí thuê. Đồng thời, họ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ vững hiệu quả kinh doanh"- bà Quyên nhận định.
F&B vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển
Dù vậy, bà Quyên cho rằng các nhãn hàng vẫn đang ráo riết săn lùng các mặt bằng đẹp tại vị trí đắc địa, nhất là khu vực bán trung tâm- nơi có giá thuê rẻ hơn một nửa so với quận 1, những cuộc thương lượng thậm chí vẫn diễn ra sôi nổi.
"Chỉ là dưới góc độ người tiêu dùng lúc này chưa thể thấy được toàn bộ các hoạt động đang diễn ra của thị trường. Những gì hiện hữu mà chúng ta đã có một độ trễ so với những diễn biến bên trong thị trường bán lẻ.
Ví dụ, các giao dịch thuê đang được chúng tôi thực hiện trong lúc này chưa thể ra mắt ngay với thị trường. Thường phải mất một thời gian vài tháng để cửa hàng thi công, lên kế hoạch khai trương.... Do đó, mọi người sẽ nhìn thấy sự xuất hiện thực sự về mặt vật lý của các thương hiệu mới vào khoảng cuối năm nay"- bà Phương nhận định.
Trên thực tế, mặt bằng ở khu vực Hồ Con Rùa vẫn chưa đến nỗi ế ẩm như nhiều khu vực khác ở trung tâm khi thương hiệu này vừa đi đã có thương hiệu mới rục rịch chuẩn bị mở cửa.
Đơn cử như mặt bằng PhinDeli đang được sửa chữa để đón chào một đơn vị mới hay SaiGon Casa cũng nhanh chóng đón chủ mới và đổi tên thành SaiGon Garden Café. Những thương hiệu khác như Phê-la, Phúc Long, Katinat, Laha Coffee, chuỗi Golden Gate hay cà phê muối Chú Long... vẫn trong hành trình mở rộng chuỗi ở các quận 3, Gò Vấp, Phú Nhuận…
Bà Hà Chu, giám tuyển F&B của Flavors Vietnam 2023, nhìn nhận: Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phần nào “định giá” lại những giá trị mà các doanh nghiệp F&B đang mang tới cho thị trường.
"Tôi tin cơ hội phát triển sẽ nằm trong tay những doanh nghiệp F&B cầu thị và tỉnh táo. Rốt cục ở đâu có một trải nghiệm ăn uống mà khách hàng sẽ không ưu tiên sự tiết kiệm, hoặc không thể so sánh với những trải nghiệm ăn uống tại nhà, thì cơ hội nằm ở đó."- bà Hà Chu nói và nhìn nhận F&B vẫn còn nhiều dư địa.