Doanh nghiệp Việt được 'ông lớn' thương mại điện tử vinh danh

(PLO)- Vận dụng AI trong sản xuất, doanh nghiệp Việt đã thắng lớn trên thị trường xuất khẩu trực tuyến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Alibaba.com, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vừa công bố top 10 nhà bán hàng B2B xuất sắc nhất tại Nam Á và Đông Nam Á. Sự kiện nằm trong chuỗi cuộc thi tìm kiếm nhà lãnh đạo thương mại điện tử - Kel Award 2024 do đơn vị này phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.

Đáng chú ý, trong top 10 này có đến 3 đại diện là nhà bán hàng Việt Nam. Trong đó, có một doanh nghiệp là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Proline Việt Nam đã lọt vào top 3 nhà lãnh đạo TMĐT xuất sắc nhất của nền tảng này tại năm 2024.

Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Proline Việt Nam, chuyên kinh doanh bao bì bọc điện tử cho biết, xuất khẩu hàng hóa trên TMĐT đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho mô hình doanh nghiệp gia đình như của bà Yến. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Proline đạt mức 30%/năm.

“Chúng tôi đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ của AI trong việc sáng tạo và thiết kế bao bì, logo... để nâng cao tỉ trọng doanh thu lẫn mức độ hài lòng của khách hàng quốc tế.

Đây cũng là bí kíp thành công, khi chúng tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn bán giải pháp giúp giảm chi phí, thời gian cho khách hàng trong khâu bao bì.

Chúng tôi đã chuyển mình từ việc chỉ cung cấp một sản phẩm trong năm đầu tiên xuất khẩu, trở thành một công ty cung cấp giải pháp bao bì toàn diện, với tốc độ tăng trưởng 280% so với năm 2018”- bà Yến nói.

XUẤT KHẨU TRỰC TUYẾN
AI đã giúp doanh nghiệp bà Yến tăng doanh thu trong xuất khẩu trực tuyến. ẢNH: THU HÀ

Hiện công ty không chỉ xuất khẩu các sản phẩm bao bì như túi thực phẩm, túi chống tĩnh điện Esd… mà còn cung cấp giải pháp thiết kế, in ấn bao bì cho doanh nghiệp của hơn 15 quốc gia trên thế giới.

Cũng theo bà Yến, nếu tính theo cơ cấu về đơn đặt hàng bán hàng thì có tới 70% là khách trong nước, 30% là khách quốc tế.

“Điểm thú vị là trong 70% khách nội địa lại có rất nhiều doanh nghiệp biết đến chúng tôi thông qua sàn TMĐT trước khi biết đến công ty tại Việt Nam”- bà Yến bật mí.

Tuy nhiên, lãnh đạo Proline khẳng định, xuất khẩu trực tuyến không bao giờ là màu hồng, cuộc chiến rất vất vả, phải biết chọn đúng thị trường, truyền thông đúng sản phẩm, chọn từ khóa đúng cách...

Bà Yến cũng nói thêm, việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao trong phát triển và chăm sóc khách hàng, đang là "cơn đau đầu" của công ty.

Ngoài Proline, dù không lọt top 3 nhưng hai doanh nghiệp Việt Nam khác gồm công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Vihaba và công ty CTCP Centic Việt Nam cũng được Alibaba vinh danh, khi có doanh thu tăng trưởng vượt mốc 100%.

Ông Cấn Quang Sáng, Giám đốc Marketing công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Vihaba cho biết, khởi sự từ đơn hàng nhỏ với 2 tấn trà xuất khẩu sang Mỹ, tới nay doanh thu của đơn vị tăng trưởng vượt bậc khi nhảy vọt 300% trong giai đoạn 2021-2022, và đạt mức tăng 100% trong giai đoạn 2022 -2023.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc điều hành Centic Việt Nam, khi chỉ mới tham gia xuất khẩu trực tuyến được 2 năm nhưng công ty đã cung cấp túi nilon chất lượng cao, tùy biến, thân thiện với môi trường cho hơn 8 quốc gia.

Bà Loan cho biết đã, chỉ tính riêng trong năm đầu tiên tham gia xuất khẩu trực tuyến B2B (bán sỉ) đã thu về 400.000 USD. Hiện doanh nghiệp ước tính mỗi tháng sản xuất 300.000 chiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm