Ông Putin và Hạ viện Nga giải thích lý do công nhận Donetsk và Luhansk

Hôm 22-2, người phát ngôn của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho biết quyết định Moscow công nhận chủ quyền của hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass (đông Ukraine) là phương pháp khả thi duy nhất nhằm chấm dứt xung đột đẫm máu trong khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích do Kiev sẽ không tôn trọng các thỏa thuận Minsk nên ông đã công nhận độc lập hai vùng này.  

Là cách chấm dứt xung đột

Người phát ngôn Volodin viết trên trang Telegram của mình rằng: “Sự công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk và việc phê chuẩn các hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và tương trợ sẽ ngăn chặn các cuộc tàn sát, cái chết của các công dân và đồng bào của chúng ta (Nga) sống ở đó”, đài RT đưa tin.

Hôm 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai ở đông Ukraine là Cộng hoà Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hoà Nhân dân Luhansk (LPR) là các quốc gia có chủ quyền. Hai khu vực này nằm ở vùng Donbass và đã đòi ly khai khỏi Kiev từ năm 2014. Từ trước tới nay, hai nước cộng hoà tự xưng này vẫn chưa được quốc gia Liên Hợp Quốc nào công nhận cho đến đầu tuần này.

Xe tăng Nga triển khai gần biên giới Ukraine. Ảnh: AP

Theo ông Volodin, hai nước cộng hoà ở Donbass nói trên là nơi đã diễn ra một vụ thảm sát người Nga mà ông Putin nói đó là “một cuộc diệt chủng”. Phát ngôn này không được cơ quan quốc tế nào công nhận và Mỹ đã chỉ trích nó là "không có cơ sở."

Ông Volodin viết: “Trong hoàn cảnh chúng ta đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo, chứng kiến hàng chục nghìn người tị nạn, phụ nữ, trẻ em buộc phải rời bỏ nhà cửa, cách duy nhất là đi đến quyết định này”.

Tại Kiev phá bỏ thoả thuận Minsk

Hôm 22-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên án chính quyền Ukraine phá bỏ các thỏa thuận Minsk và tuyên bố rằng các thỏa thuận này đã không có hiệu lực từ lâu trước khi Nga quyết định công nhận Donetsk và Luhansk, hãng tin Sputnik cho hay.

Ông Putin nhấn mạnh rằng quyết định của ông công nhận các nước cộng hòa ly khai ở Donbass là do Kiev thừa nhận công khai rằng Kiev sẽ không tôn trọng các thỏa thuận Minsk và nếu không làm vậy thì sẽ có các cuộc diệt chủng người Nga ở khu vực này.

Ông nói: "Vâng, tất nhiên, bây giờ các thỏa thuận Minsk không tồn tại. Vì vậy, tại sao chúng ta phải thực hiện chúng nếu chúng ta đã công nhận sự độc lập của Donetsk và Luhansk?".

Tổng thống Nga còn bày tỏ tiếc nuối về sự sụp đổ của các thỏa thuận Minsk và nhấn mạnh rằng Moscow "quan tâm đến việc thực hiện nó".

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai của Ukraine ở Donbass. Ảnh: TASS

Bên cạnh đó, ông Putin còn bình luận về phát biểu của Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky với báo chí rằng Ukraine sẽ xem xét sửa đổi cam kết trong Bản ghi nhớ Budapest, theo đó, Ukraine có ý muốn tái sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Putin nói rằng Ukraine muốn gửi thông điệp này trực tiếp tới Nga.Theo ông Putin, thời Liên Xô, Ukraine đã có năng lực hạt nhân khá lớn nhưng điều duy nhất mà nước này thiếu là một hệ thống làm giàu uranium.

Ông Putin lưu ý nếu Ukraine có được chỉ là vũ khí hạt nhân chiến thuật, thì điều đó sẽ gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga. Ông nhấn mạnh đây là điều cần phải ghi nhớ nhưng không nêu rõ chi tiết những hành động mà Moscow sẽ làm nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan điểm của mình về những gì Kiev có thể làm để hàn gắn mối quan hệ phức tạp với Moscow về lâu dài.

Theo ông Putin, ngoài việc tránh xung đột vũ trang, Ukraine cũng nên công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 5-2014 ở Crimea, trong đó đa số người dân địa phương đã bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga. Ông nói thêm rằng các nước phương Tây cũng nên làm như vậy.

Ông Putin cho rằng điều tốt nhất các bên liên quan đến căng thẳng có thể làm là Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Ông Putin gợi ý rằng điều này sẽ giúp các đối tác phương Tây của Ukraine "đỡ mất mặt" và sẽ đưa Kiev trở lại tình trạng không liên kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm