Tờ New York Times hôm nay cho biết ngay sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du đến Mỹ và trở về Trung Quốc, Tân Hoa xã - hãng thông tấn trung ương của Trung Quốc liền lên tiếng chỉ trích việc Mỹ không kích Syria, gọi đây hành động của “một chính trị gia yếu đuối cần phải chứng tỏ sức mạnh”. Hãng thông tấn này cũng chỉ trích việc ông Trump tấn công Syria là nhằm để dập tắt những nghi ngờ ông thân Nga - quốc gia là đồng minh chính của Syria.
Theo New York Times, thông điệp này phần nào phản ánh quan điểm chính thức của Trung Quốc đối với việc can thiệp quân sự vào chuyện nội bộ những quốc gia khác, đồng thời cũng là một lời chỉ trích dành cho chính Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump và ông Tập Cận Bình đi dạo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Ảnh: AFP
Trước cuộc hội đàm của hai vị lãnh đạo Mỹ - Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, giới chức Trung Quốc đã lo ngại việc ông Trump có thể có những hành động bất ngờ làm xấu mặt ông Tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc hội đàm được cho là về Triều Tiên và thương mại này đã bị lu mờ bởi các tin tức về việc Mỹ bất ngờ phóng 59 tên lửa vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria để trả đũa cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trước đó tại nước này.
Trước đó, trong thời gian ông Tập Cận Bình còn là khách của ông Trump, báo chí Trung Quốc hầu như đã không nhắc tới vụ không kích này hay vấn đề Triều Tiên. Hãng thông tấn Tân Hoa xã và các báo Trung Quốc khác chỉ tập trung đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, những cái bắt tay thân thiện, những bãi cỏ xanh mà hai vị lãnh đạo đi dạo hay những căn phòng sang trọng ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Giới quan sát cho rằng việc loại bỏ này là có chủ ý, như một lời đáp trả đối với vụ tấn công vào Syria.
Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng thời điểm ông Trump ra quyết định tấn công Syria không phải là ngẫu nhiên. Đây là biểu hiện của việc ông Trump muốn Trung Quốc phải hành động nhiều hơn để ngăn cản chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cũng là lời nhắc nhở Bắc Kinh rằng nếu như cần thì Mỹ cũng có thể không kích Triều Tiên.
Cuộc hội đàm giữa hai vị lãnh đạo Trung - Mỹ được cho là đã bị vụ không kích của Mỹ vào Syria làm lu mờ. Ảnh: REUTERS
Bài bình luận vụ không kích Syria của Tân Hoa xã không nhắc đến Triều Tiên mà chỉ đề cập đến vụ Mỹ tấn công tên lửa vào Libya năm 1986 và Sudan năm 1998, chỉ trích những động thái này này là “không đạt được mục tiêu chính trị nào”.
“Chiến thuật điển hình của Mỹ là gửi thông điệp chính trị mạnh mẽ bằng cách tấn công những quốc gia khác bằng các máy bay chiến đấu hiện đại và tên lửa hành trình”, Tân Hoa xã bình luận.
Tờ New York Times ngày 7-4 cũng dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết thái độ của ông Tập trước việc Mỹ không kích Syria. “Ông ấy đã bày tỏ sự thấu hiểu, rằng đó là sự trừng phạt cho cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học giết chết nhiều trẻ em” - New York Times dẫn lời ông Tillerson nói. Tuy nhiên, trên thực tế tờ New York Times cho rằng đối với truyền thông trong nước và nước ngoài, chủ tịch Trung Quốc đều hiếm khi lên tiếng, cho nên việc xác định quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc về vụ không kích, hay cách mà ông Tập đã thể hiện nó với ông Trump, gần như là không thể.