Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung leo thang mạnh, gây bất định trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam (VN) được đánh giá là điểm sáng cho xu hướng dịch chuyển thương mại mà tín hiệu rõ nhất là ngày càng nhiều đại gia nước ngoài chuyển cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc (TQ) sang VN.
Các nhà đầu tư coi nước ta là nơi trú ẩn an toàn để kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và để né các đòn trả đũa thuế qua lại giữa Mỹ và TQ.
“Cách tốt nhất là rút khỏi Trung Quốc”
Ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đánh thuế 25% lên 200 tỉ USD hàng hóa của TQ và vừa công bố danh sách 300 tỉ USD hàng của TQ có thể bị áp thuế nhập khẩu 25% từ ngày 24-6 tới đây. Đáp lại, TQ tuyên bố sẽ áp thuế 8%-25% với hơn 5.000 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với tổng giá trị 60 tỉ USD.
Đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế VN, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV cho rằng điểm tích cực và cũng là cơ hội rất quan trọng là đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ TQ sang các nước khu vực Đông Nam Á. Trong đó, VN được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất để tránh bị ảnh hưởng thuế và giảm chi phí kinh doanh.
Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ (AmChams) tại TQ và một số khảo sát khác cho thấy ít nhất 30% doanh nghiệp Mỹ và gần 50% doanh nghiệp các quốc gia khác tại TQ đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó có VN.
Đáng chú ý, một số tập đoàn Mỹ đang đầu tư tại TQ có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang VN. Tiêu biểu như Procon Pacific, Brooks… Đặc biệt, gã khổng lồ Apple trước đây sản xuất đa số sản phẩm tại TQ đang có ý định chuyển sang ASEAN, trong đó có VN.
Thậm chí ngay cả một số doanh nghiệp TQ cũng đang chuyển hoạt động sản xuất sang nước ta. Ví dụ, Công ty Sintai Furniture của TQ sản xuất bàn ghế nội thất đang chuyển 20% hoạt động sản xuất sang VN. Cũng theo xu hướng này, Samsung trong năm qua đã thông báo sẽ chấm dứt hoạt động các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại TQ.
Gần đây nhất, Công ty Giày thể thao Brooks Running của tỉ phú Warren Buffett, người sở hữu gần 89 tỉ USD và là người giàu thứ ba thế giới, đã thông báo sẽ chuyển nhà máy từ TQ sang nước ta.
Một số tập đoàn Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Trong ảnh: Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple, ông Tim Cook (bên trái ảnh) và tỉ phú Warren Buffett. Ảnh: TL
Chạy khỏi Trung Quốc để né thuế
Ông Jim Weber, Giám đốc điều hành Công ty Giày thể thao Brooks Running của tỉ phú Warren Buffett, giải thích quyết định này là để tránh thuế. Cụ thể, ông Trump đã nâng thuế lên thêm 25%, cùng với đó là mức thuế 20% trước đó khiến sản phẩm công ty đội giá, không thể cạnh tranh.
“Công ty không thể tăng giá bán, nếu không sẽ mất khách hàng. Chúng tôi cũng không thể chờ đợi giải pháp cuối cùng của cuộc đàm phán giữa Mỹ và TQ. Cách tốt nhất là rút khỏi TQ. Đến cuối năm nay, phần lớn hoạt động sản xuất của chúng tôi sẽ diễn ra ở VN” - ông Jim Weber khẳng định. Điều đặc biệt nhất, theo lời ông Jim Weber, là 8.000 việc làm sẽ chuyển từ TQ sang VN.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, nhận định sức hấp dẫn của VN do sở hữu một loạt yếu tố rất cạnh tranh. Điển hình như chi phí còn thấp, kỹ năng lao động, môi trường đầu tư kinh doanh đang đà cải cách, cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt. Chưa kể VN có những lợi thế thương mại vì đang tham gia các hiệp định thương mại tự do vốn đang thu hút các công ty nước ngoài vào để hưởng lợi thuế quan thấp.
“VN sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại vì đang có nền tảng vững chắc của một nền kinh tế ủng hộ tự do thương mại và tăng trưởng mạnh. Điều này có nghĩa VN tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư thu hút cho các công ty toàn cầu” - ông Andy Ho nhận định.
Nhìn thấu rủi ro, nắm bắt cơ hội
Bên cạnh những thuận lợi, nhiều chuyên gia cảnh báo không nên lạc quan thái quá vì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, VN không chỉ hưởng lợi hoàn toàn mà có thể gánh nhiều rủi ro.
TS Cấn Văn Lực chỉ ra rằng: Nếu cuộc chiến leo thang sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến tổng cầu giảm. Khi tổng cầu thế giới và Mỹ, TQ, EU giảm sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của VN, nhất là khi đây là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN trong năm 2018.
Những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất Sau khi xem xét kỹ danh mục các mặt hàng xuất khẩu từ TQ chịu mức thuế 25% của Mỹ, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhận định một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của VN có thể được hưởng lợi. Những mặt hàng này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện… Đối với các mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp, sắt thép các loại… cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thuế suất 25%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu những hàng hóa này của VN sang Mỹ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1,5% tổng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ. Do đó, việc áp thuế mới này ảnh hưởng không nhiều tới hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này của VN sang Mỹ. Ngân hàng HSBC cũng vừa xếp hạng VN nằm trong nhóm hàng đầu các thị trường châu Á hưởng lợi lớn nhất từ nhiều kịch bản của chiến tranh thương mại. HSBC cũng nhấn mạnh: Giả sử một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu của TQ vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TQ, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể. Và VN là quốc gia đứng đầu trong các thị trường với tiềm năng tăng trưởng tăng tới 1,2%. |
Bằng chứng là trong bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của VN chỉ tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 19% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU chỉ tăng 2,8% và sang TQ giảm đến 5,8%.
Đặc biệt, do vị trí địa lý gần gũi nên hàng hóa dư thừa của TQ không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có nước ta. Với lợi thế cạnh tranh về giá, các sản phẩm từ TQ có thể tiếp tục gây sức ép khá lớn đến thị trường hàng hóa trong nước như sắt thép, mía đường, trứng...
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích: VN với tính cách là nền kinh tế mở nên không thể tránh khỏi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, có thể là ngắn hạn, dài hạn và nhiều chiều. Trong những tác động đó có tiêu cực lẫn cơ hội, nếu VN có thể tận dụng được cơ hội sẽ vừa giảm thiểu tác động tiêu cực, vừa tận dụng tăng thêm những giá trị cho quá trình phát triển.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác nhìn nhận việc các công ty đổ xô vào VN là điều đáng mừng nhưng có thể sẽ làm tăng quá giới hạn các nguồn lực. Như vậy đôi khi lại có tác động ngược như tăng chi phí, quá tải hạ tầng mà nếu xử lý vấn đề không tốt, các công ty này tìm đường sang các nước khác.
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, VN cũng cần sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
Tổng thống Mỹ nhắc tới Việt Nam giữa cuộc chiến thương mại Ngày 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới VN như một thị trường thay thế cho các công ty sản xuất tại TQ. Ông cũng khẳng định nỗi sợ của TQ là việc khách hàng chọn mua của nước khác như một sự thay thế.
“Thuế nhập khẩu có thể hoàn toàn tránh được nếu các bạn mua hàng từ một nước không bị áp thuế nhập khẩu, hoặc mua hàng từ nước Mỹ là lý tưởng nhất. Không có thuế nhập khẩu ở đây. Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi TQ để chuyển tới VN và các nước tương tự ở châu Á. Đó là lý do tại sao TQ lại muốn chốt thỏa thuận với Mỹ như thế” - ông Trump nói. |