Các chuyên gia cho rằng nếu Apple chọn Việt Nam (VN) là nơi sản xuất điện thoại iPhone thì chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, giá nhân công… của nước ta có thể đáp ứng được các điều kiện sản xuất của hãng công nghệ lớn trên thế giới này. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp Việt làm sao chen chân được vào chuỗi cung ứng, nắm bắt được công nghệ chuyển giao để tăng năng lực cạnh tranh.
Việt Nam có thể là điểm đến của Apple
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hồi cuối năm 2018 tiết lộ: Những người có trách nhiệm đang có những cuộc đàm phán tích cực, vận động và tìm cách thu hút dây chuyền sản xuất iPhone về VN. Tuy vậy, ông Lộc cũng chưa chắc chắn kết quả sẽ ra sao nên không khẳng định gì thêm.
Mới đây nhất, nhiều hãng thông tấn nước ngoài đồng loạt đưa tin về việc các nhà cung cấp cho Apple muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc (TQ) qua VN nhằm né tránh tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-TQ (nếu chiếc iPhone sản xuất, lắp ráp tại TQ bị đánh thuế 25% khi vào Mỹ, giá mỗi chiếc iPhone sẽ tăng khoảng 10%).
Cụ thể, tờ The Business Times của Singapore tiết lộ thông tin Tập đoàn Hoan Hai, được biết dưới cái tên Foxconn, một trong những nhà máy lớn gia công lắp ráp iPhone, đang trả 16,5 triệu USD cho một công ty để được quyền sử dụng 250.000 m² đất tại một khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang. Foxconn chưa khẳng định chắc chắn sẽ sản xuất iPhone tại VN nhưng cho biết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến hãng phải chuyển các dây chuyền lắp ráp sang các nước khác để tận dụng thuế quan nhập khẩu vào Mỹ.
Tờ Nikkei (Nhật) cũng đưa tin: GoerTek, công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại TQ, đã thông báo cho các nhà cung cấp về dự định chuyển việc sản xuất tai nghe không dây sang VN.
Thực tế có khá nhiều bệ đỡ để đặt niềm tin cho việc thương hiệu điện thoại hàng đầu của thế giới sẽ đưa dây chuyền sản xuất vào nước ta. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng đây là thông tin đáng mừng và VN hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác để đón nhận việc chuyển dịch sản xuất đến từ một công ty lớn hàng đầu trên thế giới. Nếu nhìn những gì Samsung đang hoạt động tại VN sẽ thấy năng lực của người Việt không thua kém bất kỳ nước nào.
“Chẳng hạn, nếu như năm 2016, trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại VN chỉ mới phát triển vài chi tiết sản phẩm thì đến nay đã hoàn thiện cả chiếc điện thoại, trở thành trung tâm nghiên cứu chiến lược cho hãng. Toàn bộ trung tâm này được điều hành bởi hầu hết người Việt cho thấy năng lực tiếp nhận công nghệ và đủ khả năng giành lợi thế thu hút các hãng chuyển dịch nhà máy về VN. Thêm nữa, nếu như năm 2014 và 2015 chỉ có 10 công ty làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung thì đến nay có 225 doanh nghiệp” - ông Nguyễn Mại dẫn chứng.
iPhone là chiếc điện thoại thông minh được nhiều người Việt chuộng. Ảnh: PM
Tổng Giám đốc Tim Cook của Apple.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá hầu hết nhà máy sản xuất iPhone nằm trong sự hợp tác giữa Apple và Foxconn, chủ yếu đặt tại TQ, chiếm hơn nửa sản lượng iPhone toàn cầu. Nhưng giá nhân công và điều kiện kinh doanh tại VN đang được đánh giá phần nào tốt hơn TQ.
Do đó, nhìn về những gì Samsung đang làm cũng như những lợi thế của VN đem lại, việc Apple chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang VN là hoàn toàn có cơ sở.
Ông Liao Syh-jang, Giám đốc điều hành của Pegatron, một công ty sản xuất máy tính xách tay cho các thương hiệu thế giới, bình luận nếu Foxconn sản xuất iPhone tại VN thì không phải trong năm 2019, vì cần khoảng hai năm để xây dựng nhà máy. |
Nhiều lợi ích
TS Võ Trí Thành, cựu phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu quan điểm: Giả định Apple đem iPhone lắp ráp tại VN cũng tương tự các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác sẽ có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện như GDP, sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, công ăn việc làm. “Hiệu quả kinh doanh thành công của một doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là thành công của VN” - ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu sản lượng lắp ráp iPhone tại VN chiếm một con số lớn sẽ giúp VN tăng xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ để nâng giá trị dự trữ quốc gia, ổn định tỉ giá, tăng sức mạnh đồng nội tệ.
Ngoài ra, nếu Apple sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho công ty Việt hay chấp nhận công ty Việt trong chuỗi cung ứng sẽ giúp tạo ra một nền công nghệ phát triển cho VN và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Tuy vậy, giới chuyên gia khẳng định rằng việc chuyển dây chuyền sản xuất phức hợp của Apple ra khỏi TQ sẽ không thể diễn ra trong một đêm mà cần có thời gian. Lý do là hoạt động sản xuất iPhone rất phức tạp và cần phải được làm trong một hệ sinh thái của các bên cung cấp linh kiện, nhân lực, các điều kiện lao động… đã được xây dựng tốt.
Hơn nữa, Apple là một ông lớn cực kỳ khó tính. Nhiều nhà cung cấp phải rất chật vật mới đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của hãng công nghệ này. Do vậy, để có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Apple, các công ty Việt phải có sự nỗ lực vượt bậc. Về phía các cơ quan chức năng cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, thủ tục thông thoáng, có chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút các hãng công nghệ nói chung và Apple nói riêng.
Nhiều công ty chạy khỏi Trung Quốc Nhiều báo cáo của các quỹ đầu tư đã chỉ ra rằng không ít công ty đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi TQ để tránh mức thuế quan do Mỹ áp đặt. Trả lời hãng tin CNBC, ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Dragon Capital, nhận định VN đã bắt đầu kiếm được lợi ích từ việc chuyển dịch thương mại khỏi TQ nhưng chưa nhiều. Các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang nổi lên là người giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vì chi phí sản xuất thấp. Ông Rob Koepp, Giám đốc Economist Corporate Network, cho rằng trong dài hạn, VN sẽ hưởng lợi lớn từ việc điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, vì VN đang được xem là quốc gia thay thế TQ, trở thành một cứ điểm sản xuất. “VN đang nhìn thấy những “cơn bão” đơn hàng về thủy sản, đồ gỗ nội thất, may mặc... Đây chính là điềm báo các tập đoàn đa quốc gia chuyển hướng kinh doanh ra khỏi TQ” - ông Rob Koepp nói. |