Ông Trump đấu khẩu với chánh án tòa tối cao Mỹ

Truyền thông quốc tế hôm qua (22-11) tiếp tục cập nhật cuộc “đấu khẩu” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chánh án Tòa án Tối cao  John Roberts về sự độc lập của bộ máy tư pháp Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên ông Trump phàn nàn về hệ thống tư pháp nhưng căng thẳng leo thang khi ông John Roberts “phản pháo”.

“Thẩm phán của Obama”

Xung đột bắt đầu xảy ra khi thẩm phán Jon S. Tigar của Tòa án Liên bang San Francisco chặn sắc lệnh của ông Trump cấm người nhập cư trái phép từ biên giới phía Nam xin tị nạn. Chỉ vài giờ sau đó, ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ khu vực 9 ở San Francisco có định kiến chống lại mình. “Thẩm phán Tigar là một thẩm phán của Obama. Và tôi nói với các bạn những điều như thế này sẽ không xảy ra nữa” - ông Trump phát biểu trước báo chí hôm 20-11.

Ngay sau đó, chánh án John Roberts, người đứng đầu trong chín thành viên của Tòa án Tối cao Mỹ, bác bỏ cáo buộc của ông Trump. “Chúng ta không có thẩm phán của Obama hay thẩm phán của Trump, thẩm phán của Bush hay thẩm phán của Clinton. Những gì chúng tôi có là một đội ngũ thẩm phán tận tụy, luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ quyền bình đẳng cho những ai chịu sự phân xử của họ” - ông Roberts nói trong một tuyên bố hôm 20-11.

Không chịu thua, từ nơi nghỉ dưỡng riêng ở Florida, Tổng thống Trump đã đăng đàn Twitter đáp trả. “Tôi rất tiếc thưa ngài chánh án John Roberts nhưng quả thật ông đang có “các thẩm phán của Obama”. Và quan điểm của họ rất khác biệt so với những người chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của đất nước. Sẽ thật tuyệt vời nếu Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực 9 là bộ máy độc lập” - ông Trump phát biểu trên Twitter hôm 20-11.

Vài phút sau đó, ông Trump tiếp tục công kích rằng nếu Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực 9 là bộ máy độc lập thì tại sao lại có quá nhiều trường hợp phản đối (Sắc lệnh biên giới và an toàn) được đệ trình lên giải quyết ở đó và tại sao rất nhiều vụ trong số này đã bị đảo ngược phán quyết. “Làm ơn hãy xem lại con số những phán quyết bị đảo ngược, chúng gây sốc. Chúng ta cần sự bảo vệ và an ninh. Những phán quyết ấy đang khiến đất nước chúng ta trở nên không an toàn! Rất nguy hiểm và không khôn ngoan!” - ông Trump đả kích chánh án John Roberts.

Thẩm phán John Roberts (trái) bắt tay Tổng thống Donald Trump. Ảnh: BLOOMBERG

Một hiện tượng bất thường

Chánh án Roberts do cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào năm 2005, được xem là người có tư tưởng trung lập nhất trong chín thẩm phán tòa tối cao của Mỹ hiện nay. Ông Roberts bắt đầu trở thành mục tiêu công kích của ông Trump sau khi đưa ra phán quyết cho phép tiếp tục duy trì đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare vào năm 2012. Sau phán quyết này của ông Roberts, ông Trump viết trên Twitter rằng: “Gửi lời chúc mừng đến John Roberts vì đã khiến người Mỹ trở nên ghét bỏ tòa tối cao Mỹ bởi phán quyết của ông ấy”. Lâu nay, giới quan sát cho rằng chánh án Roberts luôn tìm cách né tránh những xung đột với ông Trump.

Tôi sẽ không chỉ trích các nhánh quyền lực chính trị. Chúng tôi thường chỉ làm điều đó một cách có giới hạn trong quan điểm của mình. Nhưng còn điều mà tôi muốn làm chính là khẳng định tư pháp thật sự phải là như thế nào và rất khác biệt so với các nhánh quyền lực còn lại.

Chánh án Tòa án tối cao JOHN ROBERTS 

Điển hình, ông Roberts đã im lặng trong suốt cuộc bầu cử năm 2016 bất chấp ứng viên Donald Trump chỉ trích ông là “một thảm họa”, đồng thời cáo buộc một thẩm phán liên bang khác có tư tưởng thiên vị. Ông Roberts thậm chí còn đón tiếp nồng nhiệt sau khi ông Trump thắng cử và đến thăm Tòa án tối cao. Trước những chỉ trích lâu nay từ ông Trump, phát biểu tại ĐH Luật Minnesota hồi tháng 9, ông Roberts khẳng định Tòa án tối cao luôn đảm bảo sự độc lập với các nhánh lập pháp, hành pháp.

Vì thế cuộc đấu khẩu giữa người đứng đầu nhánh hành pháp và lãnh đạo ngành tư pháp được giới quan sát đánh giá là bất thường. Reuters dẫn lời Ilya Somin, giáo sư luật tại ĐH George Mason ở bang Virginia cho rằng chánh án Roberts đang gửi đi thông điệp rằng các phát ngôn của ông Trump đã vượt quá giới hạn về trách nhiệm của tổng thống với các phát biểu mang tính chính trị. “Chánh án Roberts đã không phản ứng trong một thời gian dài (với các chỉ trích của Trump). Tôi nghi ngờ ông Roberts quyết định việc im hơi lặng tiếng đã quá đủ, lời lẽ của Trump phải dừng lại và ông phải lên tiếng” - ông Somin nói thêm.

Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời một số chuyên gia về tư pháp cho rằng chánh án Roberts có thể sẽ gặp khó khăn vì lời qua tiếng lại với ông Trump. “Tôi nghĩ cuối cùng thì những tuyên bố như thế này (của ông Roberts) cũng chỉ tạo ra sự phản tác dụng” - Josh Blackman, giáo sư luật tại ĐH luật Nam Texas, nói. Vị này nhấn mạnh rằng ông Trump luôn có những lợi thế cao hơn trong việc tiến hành các cuộc tấn công leo thang căng thẳng nhằm vào nhánh tư pháp. Chánh án Roberts sẽ luôn luôn bị chỉ trích vì giữ im lặng. Cuối cùng thì nhánh tư pháp cũng sẽ yếu thế hơn trong cuộc đụng độ ngắn ngủi này”.

Định kiến của Tổng thống Donald Trump

Theo CNN, Tổng thống Trump từ trước đến nay luôn có định kiến với Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực 9. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông Trump thậm chí đã cân nhắc việc phân tách tòa, vốn chịu trách nhiệm trong việc phân xử các vụ việc ở những bang miền Tây nước Mỹ, bao gồm cả một số bang biên giới quan trọng như California, Arizona và Guam. Rất nhiều chính sách gây tranh cãi của ông Trump đã bị các thẩm phán thuộc tòa phúc thẩm liên bang này nhanh chóng ra phán quyết ngăn chặn, nhất là các sắc lệnh liên quan đến nhập cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm