Đài Press TV dẫn lời một bộ trưởng Đức giấu tên cho hay trong cuộc gặp hồi tuần trước ở Washington, Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã in ra bản “hóa đơn đòi nợ” 375 tỉ USD đưa cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rằng đây là khoản hỗ trợ quốc phòng mà Đức đã nợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong 12 năm qua.
Trong cuộc họp, vị tân Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Đức không đóng góp thỏa đáng cho NATO, buộc Mỹ phải gánh nhiều hơn các chi tiêu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) được cho là phớt lờ bản hóa đơn "đòi nợ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images
Trên thực tế, theo thỏa thuận năm 2014, kể từ năm này các quốc gia thành viên NATO mới bắt đầu có cam kết đóng góp 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng nước cho quốc phòng chung của liên minh. Song cho đến nay, mới chỉ có Mỹ, Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan thực hiện cam kết này.
Tuy nhiên, tờ hóa đơn của ông Trump gửi tới bà Merkel lại muốn "truy thu" đến tận năm 2002. Đây là năm mà người tiền nhiệm của bà Merkel, Thủ tướng Gerhard Schröder, cam kết sẽ tăng chi cho quốc phòng.
Independent cho biết ông Trump đã chỉ đạo nhóm trợ lý tính toán xem nước Đức đã đóng góp ít hơn 2% GDP của họ trong 12 năm qua tổng cộng là bao nhiêu, sau đó tính thêm tiền lãi.
Vị bộ trưởng giấu tên trên mô tả động thái này của ông Trump là “quá đáng”. "Ý đồ phía sau của việc đưa ra những yêu cầu như vậy là nhằm đe dọa phía bên kia nhưng Thủ tướng Merkel đã bình thản tiếp nhận và không phản ứng với những động thái khiêu khích như vậy" - nguồn tin cho biết.
Tờ Sunday Times nhấn mạnh bà Merkel “đã phớt lờ động thái khiêu khích này” nhưng cam kết sẽ tăng chi tiêu từ từ. Thủ tướng Đức cũng yêu cầu ông Trump tính toán số tiền mà Đức đã chi ra cho phát triển quốc tế.
Một ngày sau cuộc gặp với bà Merkel, ông Trump nói trên Twitter rằng Đức “nợ NATO một số tiền lớn và Mỹ phải trả nhiều hơn các khoản quốc phòng đắt đỏ thay Đức”.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Minister Ursula von der Leyen cho hay Tổng thống Trump đã sai khi cho rằng Đức và các thành viên NATO khác phải chi ra 2% GDP của từng nước cho các vấn đề liên quan tới khối liên minh này.