TS. Lê Hồng Sơn - người còn được gọi bằng cái tên "ông tuýt còi văn bản".
Thay mặt Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của ông Lê Hồng Sơn đối với sự phát triển ngành tư pháp trong thời gian qua; đồng thời mong muốn TS. Lê Hồng Sơn sẽ tiếp tục cộng tác với Bộ Tư pháp trong thời gian tới để có đóng góp nhiều hơn nữa cho Bộ, ngành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã trao quyết định giao bà Mạc Thị Hoa - Phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - phụ trách đơn vị này.
TS. Lê Hồng Sơn khẳng định sẵn sàng tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ của mình để góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành tư pháp.
TS. Lê Hồng Sơn là người gần gũi với giới báo chí trong suốt nhiều năm qua. Ông là người đã ký văn bản “tuýt còi”, yêu cầu hủy bỏ rất nhiều văn bản của các Bộ, ngành, địa phương có nội dung trái luật, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.
Trao đổi với PV đầu năm 2015, ông Sơn cho biết cách đây hơn 10 năm, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp 1992 và việc VKSND Tối cao không còn đảm nhiệm chức năng kiểm sát chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khi đó là ông Nguyễn Đình Lộc đã giao cho ông nghiên cứu về cơ chế hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ quan hành chính nhà nước. Cơ chế “hậu kiểm” văn bản này mang tính chất nội bộ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Sau đó không lâu, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp đã ra đời.
“Người ta hay ví von việc của chúng tôi làm như “đãi gạo nhặt sạn”, hoặc như “người dọn vườn”. Còn cá nhân tôi thì được người dân gọi bằng những cái tên như “ông Sơn hương ước”, “ông Sơn văn bản”, “ông Sơn tuýt còi”. Nhiều khi cũng thấy vui vui. Được dư luận, người dân ghi nhận như vậy là một điều rất đáng quý nên mình phải cố gắng thôi, dù nhiều lúc phải chịu nhiều áp lực, nhiều sức ép, tác động”- ông Sơn tâm sự.
Hơn 10 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện kiểm tra được hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện trên 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Đáng chú ý, trong số hơn 90.000 văn bản này, có khoảng 10.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ.
Theo Thế Kha (Dân trí)