Bộ Tư pháp 'tuýt còi' thông tư xử phạt về xây dựng

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 7 thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12/2/2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 121/2013 của Chính phủ, liên quan đến nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản… có nội dung trai với quy định tại nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Theo đó, tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 quy định: “Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3, 5, 6, 7 của Điều 13, Nghị định 121 mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó về hành vi quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121”. 

Trong khi đó, khoản 8, Điều 13 lại quy định: “Đối với hành vi quy định tại khoản 3, 5, 6 và 7 điều này, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có)”. 

Như vậy, theo quy định này, chỉ đối với các cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121.

Ảnh minh họa 

Cục Kiểm tra cho rằng, trong trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, như quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 có thể được hiểu là một trong các trường hợp: Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần; tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi tái phạm vi phạm hành chính đã thực hiện; tất cả các hành vi “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm” đều có thể bị coi là “tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” và bị xử phạt theo quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121. 

Với cách hiểu trên, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 đã mở rộng việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121, gây nhầm lẫn giữa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng điều này để xử lý đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần (không phải là hành vi tái phạm), gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Do đó, Cục Kiểm tra van bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại tính hợp pháp của Thông tư 02/2014/TT-BXD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm