Ông Võ Văn Thưởng: 'Mong giáo dục Cần Thơ luôn dẫn đầu ĐBSCL'

Ngày 6-8, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đoàn công tác liên ngành của trung ương đến khảo sát kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” tại TP Cần Thơ.

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với TP Cần Thơ ngày 6-8. Ảnh: NN

Ông Thưởng đánh giá cao kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 29 của TP Cần Thơ. Cụ thể, ở năm vấn đề nổi bật là: Quy mô trường lớp trên toàn TP đã phủ kín trên toàn địa bàn dân cư và cơ sở vật chất trường học ngày càng được củng cố theo hướng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân dân.

Cạnh đó, số trường học đạt chuẩn quốc gia ở tất cả bậc học đều tăng theo năm, tính đến nay đã đạt trên 60%. Chủ trương đổi mới chương trình, phương pháp dạy học hai buổi/ngày TP thực hiện khá tốt và đang từng bước mở rộng, đây là cơ sở để nâng cao chất lượng.

Ngoài ra, việc xây dựng xã hội học tập có kết quả quan trọng bước đầu; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Cần Thơ ngày càng được quan tâm, đào tạo bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục…

Tuy vậy, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý một số vấn đề tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 trong thời gian tới ở địa phương. Cụ thể, ông Thưởng cho rằng việc thi và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đào tạo là rất quan trọng.

Về thi cử, theo ông Thưởng: “Điều mong muốn nhất là làm sao bên cạnh những điều chỉnh, cải cách, phương pháp của Bộ, đối với địa phương từ trước đến giờ chúng ta làm nghiêm túc rồi thì phải cố gắng hơn duy trì được cái này. Vì có thể năm nay nghiêm túc nhưng sang năm không nghiêm túc. Đợt này nghiêm túc nhưng đợt sau không nghiêm túc. Mà cái này phải thường xuyên quán triệt. Chỉ cần một chút cái gì đó thôi là mất niềm tin của xã hội, là người ta nghi ngờ chúng ta lắm, bị ảnh hưởng lắm. Nhiều người nói những từ rất đúng, mặc dù rất đau lòng… Cho nên thi cử phải cố gắng”.

Về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, ông Thưởng cho rằng rất quan trọng. "Bây giờ nói đổi mới giáo dục đào tạo, nói gì thì nói, bên cạnh chương trình, nội dung thì phải đổi mới người thầy… Đổi mới về tư duy, phương pháp trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo ít thì vài năm, nhiều thì mười mấy, hai mươi năm vì người ta đã đi theo phương pháp giảng dạy cũ rồi. Cái này mới là vấn đề, một vấn đề khó. Thay đổi một thói quen là rất khó, từ chuyện giáo án, giảng dạy, nghiên cứu… thì chúng ta phải quyết tâm” - ông Thưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý đó là phải xem lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn. "Bởi vì nhiều khi mình nói đủ chuẩn và vượt chuẩn mà chất lượng giáo dục không nâng lên tương xứng thì người ta nói cái chuẩn của mình có vấn đề hoặc chuẩn mình thấp. Tôi nói thật, đôi khi vượt chuẩn cũng là một dấu hiệu của thành tích nữa. Chỉ cần đủ chuẩn và duy trì đủ chuẩn thôi là đã tốt rồi” - ông Thưởng cho hay.

Cạnh đó, ông Thưởng cũng đề nghị quan tâm việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục đào tạo… "Làm sao mỗi người dân bỏ tiền đầu tư cho con đi học trong hệ thống của mình, người ta có đầy đủ niềm tin và được quyền tin tưởng rằng sau này con cháu họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trước hết là lo được cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội” - ông Thưởng nói.

Ông Thưởng mong rằng trong thời gian tới giáo dục của TP Cần Thơ luôn luôn là điểm sáng, điểm dẫn đầu của ĐBSCL và là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục đào tạo tốt trên phạm vi cả nước.

Quang cảnh buổi làm việc ngày 6-8 tại TP Cần Thơ. Ảnh: CT

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết Cần Thơ là một trong 10 địa phương trên cả nước thực hiện phổ cập mầm non năm tuổi sớm từ năm 2014. Tập trung cho bậc mầm non được TP rất quan tâm. Tỉ lệ đạt chuẩn của trường mầm non cũng cao hơn cả nước (55,8%).

Đối với giáo dục ĐH, Cần Thơ có thể nói là trung tâm của vùng. Hiện nay có bốn trường ĐH, một phân hiệu và tới đây là phân hiệu FPT. "Với cơ cấu của các trường ĐH này và các trường cao đẳng thì chúng tôi nghĩ rằng cũng đủ về số lượng để thực hiện nhiệm vụ là trung tâm vùng. Tuy nhiên, về chất lượng thì cũng cần phải quan tâm. Đối với Trường ĐH Cần Thơ phải xác định vị trí của Trường ĐH Cần Thơ như một động lực tăng trưởng của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung…" - ông Nhạ nói.

Báo cáo của TP Cần Thơ cũng cho thấy qua năm năm thực hiện Nghị quyết 29, tỉnh đã thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp đúng quy chế, khắc phục hiện tượng “chạy trường chạy lớp”. Thực hiện nghiêm túc, an toàn, khách quan và đúng quy chế các kỳ thi THPT quốc gia theo chỉ thị của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. 

Cạnh đó cũng còn hạn chế là hệ thống cơ sở vật chất trường lớp có phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản của sự nghiệp giáo dục. Mặc dù có nhiều giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn còn tình trạng thiếu, thừa, chưa cân đối, đồng bộ về giáo viên giữa các trường…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới