Ông Vương Nghị hô hào 'không phô trương sức mạnh' tại Biển Đông

Theo tờ South China Morning Post, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc mới đây đã đưa ra lời kêu gọi về việc “không phô trương sức mạnh” tại Biển Đông.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh hải quân các nước gia tăng sự hiện diện tại khu vực, dấy lên lo ngại về căng thẳng leo thang.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến về Biển Đông ở TP. Tam Á, đảo Hải Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 9-11 đã chỉ trích việc “phô trương sức mạnh và thống trị hàng hải”. Tuy nhiên, ông Vương không đề cập quốc gia cụ thể nào.

“Chúng ta phải tuân thủ chủ nghĩa đa phương và cùng duy trì trật tự hàng hải. Đại dương không phải là một trò chơi cạnh tranh có tổng bằng không, và không ai nên sử dụng đại dương như một công cụ để áp đặt quyền lực đơn phương” – ông Vương nói.

“Chúng tôi phản đối việc một số quốc gia, vì mục đích bảo vệ quyền bá chủ trên biển, phô trương lực lượng và hình thành bè phái trên biển, đồng thời tiếp tục xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia khác” – ông Vương nói thêm.

Theo South China Morning Post, phát ngôn của ông Vương được đưa ra trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh và Trung Quốc thời gian qua tăng cường hiện diện quân sự ở các vùng biển tranh chấp, làm dấy lên nguy cơ vô tình đụng độ.

Cũng tại diễn đàn trên, ông Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) - trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc - đã kêu gọi Mỹ tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

“Trung Quốc kêu gọi Mỹ tích cực xem xét việc tham gia công ước và có những hành động cụ thể để tham gia vào việc bảo vệ nguyên tắc hàng hải quốc tế” – quan chức này cho hay.

South China Morning Post dẫn lời bà Gloria Macapagal Arroyo - cựu tổng thống Philippines - cho rằng những căng thẳng và rắc rối ở Biển Đông đang đặt ra “những mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự ổn định khu vực.

“Hãy tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các tàu chiến của quân đội Trung Quốc và Hạm đội 7 của Mỹ sẽ tác động như thế nào đối với thị trường chứng khoán, tiền tệ và hàng hóa trên toàn thế giới” – bà Arroyo phát biểu tại diễn đàn hôm 9-11.

“Thế giới hy vọng rằng một sự kiện như vậy sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, có những lý do để lo lắng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc và Mỹ triển khai cùng lúc ở Biển Đông; tàu chiến của Pháp và Anh cũng vậy” – vị cựu tổng thống cho hay.

“Đầu năm nay, sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc gần đá Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã dẫn đến các cuộc phản đối ngoại giao của Philippines và các cuộc đấu khẩu không mấy thiện cảm giữa Manila và Bắc Kinh” – bà Arroyo nói thêm.

Theo bà Arroyo, các tranh chấp ở Biển Đông trước đây được quản lý bằng việc mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa các quốc gia liên quan và bằng sự cân bằng quyền lực.

Hồi tuần trước, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết hải quân Trung Quốc đã mở rộng lên 355 tàu và tàu ngầm vào năm 2020.

Theo báo cáo, hải quân Trung Quốc đặt ưu tiên cao vào việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm, vận hành sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), sáu tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. tàu ngầm tấn công (SSN) và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel (SS).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới