Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, chiều 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó có việc thành lập TAND, VKSND TP Thủ Đức. Tại đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về việc thành lập TAND TP Thủ Đức với nhiều đề xuất đáng chú ý.
Ngày 10-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo TAND TP.HCM đưa ra một số nét cơ bản về TAND TP Thủ Đức trên cơ sở những điều đã báo cáo với TAND Tối cao.
Việc thành lập TAND TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện tại.
Hiện TAND quận 2 có lượng án thụ lý bình quân 1.500 vụ/năm. Tòa quận này có một chánh án, ba phó chánh án, hai chánh tòa, hai phó chánh tòa, một chánh văn phòng, một phó chánh văn phòng. Tòa này hiện có 18 thẩm phán (ba trung cấp, 15 sơ cấp), 11 thư ký và thẩm tra viên.
TAND quận 9 số án thụ lý hằng năm là 2.200 vụ và có bố trí nhân sự tương tự TAND quận 2. Tòa này có 22 thẩm phán (bốn trung cấp, 18 sơ cấp), 13 thư ký và thẩm tra viên.
Trong ba quận, dẫn đầu về số án thụ lý là TAND quận Thủ Đức với lượng án bình quân 2.600 vụ/năm. Về nhân sự, tòa này hiện có 54 biên chế, trong đó có 27 thẩm phán (năm trung cấp, 22 sơ cấp), 18 thư ký và thẩm tra viên.
Dựa trên các dữ liệu trên sau khi được thành lập, dự kiến lượng án mà TAND TP Thủ Đức phải thụ lý, giải quyết hằng năm khoảng 6.500-7.000 vụ, việc các loại. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng phải giải quyết 350-400 vụ, việc.
Với lượng án lớn như trên, biên chế dự kiến được giao cho TAND TP Thủ Đức là 160, trong đó có 90 thẩm phán sơ và trung cấp, còn lại là thư ký, thẩm tra viên, văn phòng và biên chế khác.
Theo lãnh đạo TAND TP.HCM, thực tế cho thấy TP Thủ Đức có địa bàn rộng trên 200 km2, số lượng án đang giải quyết lớn, tốc độ tăng nhanh so với các quận, huyện khác tại TP.HCM. Vì vậy, số biên chế dự kiến khó có thể bảo đảm việc giải quyết các loại án và những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án.
Đứng đầu TAND TP Thủ Đức sẽ là một chánh án và ba phó chánh án. Do lượng án sau khi thành lập đơn vị mới như đã tính và dự kiến hằng năm tăng 5%-7% nên tòa này sẽ thành lập sáu tòa chuyên trách. Đó là các đơn vị: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (và Văn phòng).
Theo đó, mỗi tòa chuyên trách sẽ có một chánh tòa và hai người giữ chức phó chánh tòa. Bộ phận văn phòng cũng có một chánh văn phòng và có 2-3 phó.
Theo đề xuất, trụ sở TAND quận 2, TP.HCM hiện tại sẽ được tiếp tục sử dụng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Sẽ bố trí ba trụ sở
Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết sau khi thành lập TAND TP Thủ Đức mới cần có các tòa chuyên trách và bộ phận giúp việc được tổ chức như TAND TP.HCM.
Do đó, TAND TP.HCM đề xuất tiếp tục sử dụng trụ sở của ba đơn vị là TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ngoài ra, tòa TP đề nghị cho phép tiếp tục triển khai xây dựng mới trụ sở TAND quận Thủ Đức trong năm 2021.
Trụ sở TAND quận 2 và quận 9 cùng được xây dựng từ năm 2005. Theo đó, trụ sở tòa quận 2 có diện tích đất 2.997 m2, ba tầng với diện tích sử dụng 1.600 m2. Còn TAND quận 9 xây dựng trên khu đất có diện tích 2.060 m2.
Trụ sở TAND quận Thủ Đức là cũ nhất, được xây dựng năm 1995 trên khu đất có diện tích 1.500 m2 và chỉ có hai tầng. Hiện trụ sở này đã lập dự án xây mới trình TAND Tối cao phê duyệt và tổ chức đấu thầu thi công, dự kiến khởi công trong quý I-2021.
TAND TP.HCM đề xuất trụ sở làm trung tâm của TAND TP Thủ Đức được xác định theo trung tâm hành chính của TP này. Trụ sở này là nơi làm việc của ban lãnh đạo là chánh án, các phó chánh án, văn phòng, Tòa Hành chính, Tòa Lao động.
Một trụ sở bố trí là nơi làm việc, xét xử của Tòa Hình sự, Tòa Dân sự. Một trụ sở khác bố trí là nơi làm việc, xét xử của Tòa Kinh tế. Tòa Gia đình và người chưa thành niên dự kiến sẽ được bố trí tại TAND quận Thủ Đức hiện nay.
Cũng theo ông Phong, về lâu dài, TAND TP.HCM đề xuất trụ sở mới của TAND TP Thủ Đức phải được xây dựng theo mô hình thông minh, hiện đại, xứng tầm với khu vực, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới (4.0).
Theo đó, diện tích đất xây dựng trụ sở mới khoảng 8.000-10.000 m2 ở khu vực được xác định là trung tâm hành chính của TP Thủ Đức. Trụ sở mới phải bảo đảm hoạt động ổn định, lâu dài, góp phần giữ vững ổn định chính trị địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức. Ngoài ra, cần xây dựng một trung tâm lưu trữ của TAND TP.HCM và một trung tâm lưu trữ của TAND TP Thủ Đức trên trụ sở của ba tòa án hiện có.
Xin thêm biên chế, gỡ khó cho thẩm phán
Trong nội dung trình bày tờ trình về việc thành lập TAND TP Thủ Đức, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đối với tòa án cấp tỉnh có quy mô 6.000 vụ, việc/năm thì ngoài trụ sở tòa án tỉnh còn có 7-8 trụ sở ở huyện nữa, tức là chia ra 7-8 đầu mối, đồng thời giải quyết án. tuy nhiên, với 6.000 vụ, việc tại Tòa án TP Thủ Đức thì không có “chân rết”.
Theo quy định, một thẩm phán phải xử sáu vụ/tháng nhưng thẩm phán tại TP.HCM đang thực hiện khối lượng công việc nhiều gấp đôi. Do vậy, TAND Tối cao muốn nhân cơ hội này xin thêm biên chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM.
Ông Bình nói: “Nếu chờ duyệt tổng thể của cả nước, tôi nghĩ không biết đến bao giờ mới xong”. Ông mong muốn Thường vụ Quốc hội chia sẻ với khó khăn, đồng ý với đề xuất của ngành tòa án. ĐỨC MINH
VKSND TP Thủ Đức: Cần lập các phòng nghiệp vụ
Ngày 9-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Mô hình chính quyền TP thuộc TP: Triển vọng và thách thức đối với TP.HCM”. Tại hội thảo, TS Thái Thị Tuyết Dung và ThS Trương Tư Phước (Trường ĐH Luật TP.HCM) đưa ra gợi ý về cơ chế tổ chức TAND, VKSND khi thành lập TP Thủ Đức, trong đó nổi bật hai ý.
Thứ nhất, cần thành lập các phòng nghiệp vụ trong cơ cấu của VKSND TP Thủ Đức. Theo thống kê, khi được thành lập, VKSND TP Thủ Đức sẽ có số lượng biên chế ít nhất là 62 người và số lượng trung bình trên 6.300 vụ việc thụ lý, giải quyết/năm. Số lượng này đảm bảo các tiêu chí để thành lập các phòng nghiệp vụ thay thế cho các bộ phận nghiệp vụ trước đây.
Do đó, VKSND TP Thủ Đức cần thành lập các phòng nghiệp vụ gồm: Văn phòng tổng hợp; Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự và Phòng Kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính. Đây sẽ là VKSND cấp huyện đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thành lập ba phòng này.
Thứ hai, cần tăng số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó tại tòa. Với số lượng vụ việc phải thụ lý giải quyết hằng năm gấp ba lần so với một tòa án cấp huyện khác nên TAND TP Thủ Đức cần được cơ cấu cấp phó nhiều hơn. Nếu không tăng cấp phó trong khi số lượng vụ việc quá lớn thì có thể gây ra tình trạng tồn đọng án kéo dài, dẫn đến vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và chất lượng xét xử. YẾN CHÂU