Phải bồi thường xong thiệt hại mới được đặc xá?

Theo tờ trình của Chính phủ, từ năm 2009 đến 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho gần 86.000 phạm nhân và hơn 1.100 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong các năm 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và một người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

“Số lượng này quá lớn và quá rộng, không còn mang ý nghĩa là trường hợp ân giảm, khoan hồng đặc biệt của Chủ tịch nước nữa” - Viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải bình luận và cho rằng nguyên nhân có thể do Luật Đặc xá cũ “có vấn đề”, quy định điều kiện đặc xá quá dễ dãi. Cạnh đó, việc áp dụng luật trên thực tế cũng chưa chính xác, chưa chặt chẽ.

Ông Hải cũng đặc biệt quan tâm tới quy định về “điều kiện đặc xá” bởi nếu không sẽ lẫn với chế định tha tù trước thời hạn mới được quy định trong BLHS 2015 (được áp dụng thường xuyên, do cơ quan tư pháp áp dụng đối với trường hợp cải tạo, lao động tốt)... Cạnh đó, nếu quy định điều kiện quá khắt khe sẽ không còn trường hợp nào được đặc xá, ngược lại nếu quá dễ dãi sẽ lại có vấn đề như luật hiện hành.

Một trong những điều kiện đặc xá trong dự thảo gây nhiều tranh luận là quy định “đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự luật) đã đề nghị cân nhắc thận trọng quy định này. Các ý kiến này cho rằng quy định như dự thảo sẽ dẫn đến việc có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Cạnh đó, việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.

Ông Dương Ngọc Hải cho hay cá nhân ông cũng rất phân vân về điều kiện này. Đồng tình với nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp, ông Hải phân tích thêm vế sau của điều kiện “không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi đặc xá”: “Nếu bị hại là cá nhân, chúng ta áp dụng rất dễ. Nhưng nếu thiệt hại là tài sản của Nhà nước hoặc nguyên đơn dân sự là Nhà nước thì câu hỏi đặt ra là người nào có thể thực hiện được việc thỏa thuận? Ai dám đứng ra thực hiện việc thỏa thuận?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới