Phải khởi tố để điều tra người làm oan ông Nén

TAND tỉnh Bình Thuận cho biết sau buổi xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại địa phương ngày 3-12, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận sẽ hướng dẫn ông Nén và gia đình tính toán những thiệt hại 6.360 ngày bị giam oan để thương lượng bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Về việc bồi thường oan cho ông Nén trong vụ án “Vườn điều”, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Quang cho biết tòa này sẽ xin ý kiến của TAND Tối cao để thực hiện.

Vậy còn trách nhiệm của những người gây ra nỗi oan khuất cho ông Nén thì sao?

Những ai tham gia làm oan ông Nén?

Trong vụ án bà Lê Thị Bông mà ông Nén bị làm oan, theo hồ sơ có tất cả bảy người liên quan trong ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Ở giai đoạn điều tra, điều tra viên chính vụ án là đại úy Cao Văn Hùng. Đại úy Hùng cũng là điều tra viên chính vụ án “Vườn điều”, từng được khen thưởng do thành tích “phá” hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Năm 2002, do có sai phạm trong một vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (khi ông Hùng được cho điện thoại, được đưa đi ăn uống nên đã bí mật thông báo cho một bị can bỏ trốn trước ngày bị bắt giam), ông Hùng bị kỷ luật ra khỏi ngành và sau đó làm cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận nhưng không được. Ông Hùng lại xin vào Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Biết tin này, nhiều người bị oan trong vụ án “Vườn điều” phản ứng quyết liệt khiến ông Cao Văn Hùng rút đơn xin gia nhập Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Giây phút ông Nén vừa bước ra khỏi trại giam sau gần 18 năm cách ly với xã hội được ông Nguyễn Thận và chị ruột đón trong nước mắt. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, từng là thành viên ban chuyên án vụ bà Lê Thị Bông và vụ án “Vườn điều”. Năm 2006, ông Đáp bị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Bình Thuận cảnh cáo về mặt đảng do đã thiếu kiểm tra, đôn đốc trong quá trình chỉ đạo điều tra về hoạt động của băng nhóm tội phạm “Đồi hoa mai” của Hai Chi ở huyện Hàm Tân.

Kiểm sát điều tra vụ ông Nén là kiểm sát viên Đinh Văn Lai. Ông Lai sau đó chuyển công tác đến VKSND huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay ông đang công tác tại VKSND TP Phan Thiết.

Người ký cáo trạng truy tố ông Nén là bà Nguyễn Thị Dung, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận. Sau này bà Dung làm viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận rồi nghỉ hưu theo chế độ. Hiện bà Dung là luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xử ông Nén tù chung thân (ngày 31-8-2000) là kiểm sát viên trung cấp Vũ Hồ Thành. Ông Thành hiện vẫn đang làm việc tại VKSND tỉnh Bình Thuận.

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ ông Nén là Thẩm phán Nguyễn Thành Tâm. Thẩm phán Nguyễn Thành Tâm hiện là phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận.

Thẩm phán thứ hai trong phiên tòa sơ thẩm là bà Nguyễn Thị Lộc. Thẩm phán Nguyễn Thị Lộc đang là thẩm phán Tòa Dân sự TAND tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, luật sư chỉ định trong vụ án này là luật sư Nguyễn Ngọc Ký, hiện bà Ký vẫn đang là luật sư tại Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận.

Trách nhiệm đến đâu?

Có thể nói những cán bộ tố tụng nói trên không thể vô can trong việc làm oan ông Huỳnh Văn Nén.

Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, trước mắt CQĐT VKSND Tối cao nên khởi tố vụ án để điều tra mới xác định ai là người gây ra oan sai, từ đó xem xét các dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Cụ thể trong giai đoạn điều tra sẽ xem xét trách nhiệm điều tra viên, kiểm sát viên (kiểm sát điều tra); trong giai đoạn truy tố sẽ xem xét trách nhiệm của người ký cáo trạng. Đến giai đoạn xét xử thì vai trò của thẩm phán, chủ tọa HĐXX và công tố viên đến đâu. “Thậm chí phải xem xét cả vai trò luật sư chỉ định trong vụ án” - luật sư Thiện nói.

Theo ông Thiện, việc làm oan trong vụ án này chủ yếu là do yếu tố con người, không phải do trình độ mà là do đạo đức. Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng không quan tâm đến việc gỡ tội mà cứ chăm chăm buộc tội bị cáo. 11 yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm số 64/HS-GDT ngày 12-11-2014 của Tòa Hình sự TAND Tối cao là những mâu thuẫn nằm trong hồ sơ vụ án chứ không nằm ở ngoài. Thế nhưng ở cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử lại không ai phát hiện. Ngoài ra, cần làm rõ đơn tố giác của anh Nguyễn Phúc Thành gửi ngày 2-9-2000 (tức sau khi ông Nén bị xử chung thân hai ngày) tổ chức, cá nhân nào nhận. Tại sao nhận mà không quan tâm tổ chức xác minh, điều tra ngay? Bởi nếu có trách nhiệm trong việc giải quyết tin báo tội phạm thì ông Nén đã được minh oan từ lâu rồi.

“Sau khi TAND tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén, tôi nghĩ các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận nên tổ chức một cuộc hội thảo mời các cơ quan trung ương về và xem đây là bài học thấm thía để tránh bớt oan, sai sau này” - luật sư Thiện nói.

Hãy cho qua và vui sống

Có lẽ không cần phải mô tả nỗi đớn đau, mất mát của ông Huỳnh Văn Nén khi phải ngồi tù oan gần 18 năm với hai án giết người.

Rồi đây, với 6.360 ngày bị tù oan, với những tổn thất tinh thần, sức khỏe, thu nhập bị mất, ông Nén sẽ được nhận bồi thường tiền tỉ. Nhưng tiền tỉ có bù đắp hết nỗi mất mát của ông và gia đình khi gần 18 năm trời đằng đẵng ba đứa con trai của ông phải thiếu hơi ấm của cha, phải thất học, có đứa còn phạm tội hình sự.

Tiền tỉ để làm gì khi bà Cẩm vợ ông phải rã cẳng với gánh hàng rong, ngược xuôi nuôi con và góp dăm ba đồng bạc lẻ để thăm nuôi chồng.

Phải khởi tố để điều tra người làm oan ông Nén ảnh 2

Khoảnh khắc gặp lại người vợ sau hơn 17 năm xa cách. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Tiền tỉ để làm gì khi ông Huỳnh Văn Truyện đã 91 tuổi phải cắn răng bán từng công ruộng ở Thới Bình (Cà Mau), khó nhọc vác đơn đi kêu oan cho con trai hàng ngàn cây số.

Tiền tỉ để làm gì khi mẹ ông chiều nào cũng ngồi trên bậc cửa cầu nguyện, mong ngóng con về nhưng mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay mà bà vẫn chưa nhìn thấy mặt con…

Ngày 22-10, sau gần 18 năm xa cách, khi gặp lại vợ mình ngoài cổng trại giam, ông Nén đã nhào tới ôm đưa tay bẹo má, tát yêu bà Cẩm trông như những cặp tình nhân trẻ, trông buồn cười nhưng lại muốn ứa nước mắt.

Vậy mà bất chấp hết những đau khổ của gần 18 năm oan khuất, khi được hỏi về nhân quả của vụ án, cả ông Nén và cha ông đều cười rất tươi: “Thôi, nỗi buồn hay đớn đau rồi cũng qua, hãy cho qua!”.

Ừ, hãy cho qua để mà vui sống nhé “người tù thế kỷ”!

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm