Ngày 30-3, xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phát hiện ca mắc bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đầu tiên và dịch kéo dài đến nay. Điều đáng nói là người dân phải bỏ tiền túi để vận chuyển heo đến nơi tiêu hủy mà không rõ số tiền này có được hoàn lại hay không.
Mượn tiền đưa heo đi tiêu hủy
Theo người dân xã Bình Triều, sau khi báo cáo có heo bị mắc bệnh, xã cử cán bộ đến tận nhà để lập biên bản kiểm kê trọng lượng. Tuy nhiên, người dân phải chi tiền vận chuyển heo đến nơi tập kết tiêu hủy với giá khoảng 200.000 đồng/tạ. Với những con heo “quá cỡ”, tiền vận chuyển lên đến 300.000 đồng/con.
Ông Ngô Đoàn (thôn Vân Tây, xã Bình Triều) cho hay tháng trước nhà ông hai lần báo cáo với xã do có heo chết để xã cử người đến nhà kiểm kê, lập biên bản. Hay tin phải đóng tiền vận chuyển heo nên ông đã tự chở heo đến điểm tiêu hủy của xã. “Lần đầu tự chở heo thấy mệt quá nên lần hai tôi đóng tiền cho người ta tới đưa đi. Tôi đưa cho họ 500.000 đồng để chuyển 270 kg heo, tính ra khoảng 200.000 đồng/tạ” - ông Đoàn nói.
Tại thôn 4, tình trạng heo chết do mắc DTHCP cũng diễn ra liên tục nhiều tháng nay. Hầu hết các hộ có heo chết đều phải đóng tiền vận chuyển heo đi tiêu hủy. Mỗi con heo có trọng lượng từ 90 kg trở lên, người dân phải bỏ ra 300.000 đồng/con. “Mặc dù có biết quy định là người dân không phải tốn tiền nhưng chúng tôi vẫn phải đưa tiền cho họ chở heo đi, vì nếu cứ để đó thì mình cũng… bó tay” - một người dân cho hay.
Ông Lê Văn Chinh (thôn 4, xã Bình Triều) vẫn còn tiếc nuối ba con heo nái, 15 con heo con mới vài ngày tuổi buộc phải tiêu hủy hơn tháng trước. Éo le là tài sản có giá nhất trong nhà bị mất đã đành, ông còn phải mượn hàng xóm 700.000 đồng trả tiền vận chuyển đàn heo đi tiêu hủy. 200.000 đồng còn thiếu, ông hẹn sẽ trả ngay sau khi nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
“Cán bộ thú y cân heo được tổng cộng hơn 4 tạ. Đội vận chuyển nói giá đưa mỗi con heo nái đi tiêu hủy là 300.000 đồng, tôi thấy heo nái nặng quá nên phải bấm bụng đóng tiền cho họ đem đi…” - ông Chinh kể lại.
Cũng tại thôn 4, hộ ông Trần Văn Minh do không đóng tiền vận chuyển tiêu hủy nên gia đình đã phải đào hố tự tiêu hủy heo chết.
Tiêu hủy heo chết do mắc dịch tả heo châu Phi. Ảnh: THANH NHẬT
Phí vận chuyển gấp hai lần quy định
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều, cho biết việc thu tiền vận chuyển là do ngân sách chưa ứng kịp nên phải vận động người dân hỗ trợ. Tiền này sau đó sẽ được hoàn lại cho người dân.
“Tiền này xã không thu mà đội xe vận chuyển trực tiếp thu từ người dân. Bà con ứng trước kinh phí cho lực lượng này, sau đó xã căn cứ vào trọng lượng heo để trả tiền lại cho dân. Tiền này Nhà nước sẽ chi” - ông Ba giải thích.
Cũng theo ông Ba, theo Công văn 1210 của UBND tỉnh Quảng Nam, đối với những con heo có trọng lượng lớn hơn 70 kg, Nhà nước sẽ trả chi phí vận chuyển 150.000 đồng/con. Cán bộ xã không đủ nhân lực để vận chuyển nên phải kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, với mức phí như trên thì không có ai làm.
“Xã có động viên đội xe vận chuyển lấy đúng giá 150.000 đồng/con lớn hơn 70 kg nhưng quả thật có nhiều con heo quá lớn dẫn đến tiền công tăng cao. Về việc này đội vận chuyển đã thỏa thuận với người dân về mức phí. Sau khi nhận được hỗ trợ, xã sẽ chi trả đúng theo quy định” - ông Ba nói.
Ngày 29-7, UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã ban hành công văn chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy heo mắc DTHCP. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tuyệt đối không thu tiền của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch và tiêu hủy heo bệnh. Nếu địa phương nào thu tiền công vận chuyển không đúng quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện. |