Khoảng 2 ngày nay, người dân sống ở Khu dân cư (KDC) 923 (thuộc khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều) vô cùng hoang mang, bất an khi thấy lực lượng chức năng đào hố chôn heo chết (nghi mắc dịch tả heo châu Phi) ở gần khu vực dân cư.
Theo người dân, vào chiều tối 29-5, người dân thấy có xe chở heo chết vào khu vực phía sau KDC đào hố chôn heo, vị trí chôn heo chết cách nhà dân chưa đầy 100 m, việc chôn cũng rất sơ sài không đảm bảo quy trình. Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lo sợ ảnh hưởng đến môi trường sống, dịch bệnh lây lan, người dân đã phản đối nhưng lực lượng chức năng vẫn tiến hành chôn. Không những vậy, qua ngày hôm sau ngành chức năng tiếp tục chở heo chết đến chôn ở khu vực này khiến người dân bất an.
Người dân KDC 923 hoang mang khi ngành chức năng chôn heo chết ở khu vực khu dân cư.
“Tôi thấy họ đào hố chôn rất cạn rồi lấp đất lên, có rải vôi nhưng rất sơ sài. Bà con ở đây phản ứng ngăn cản nhưng họ vẫn chôn. Ở đây chưa xuất hiện dịch nhưng đem vào chôn như vậy mai mốt nó lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hàng trăm người dân trong khu dân cư”, một người dân sống trong KDC 923 phản ứng.
Cùng bức xúc, ông THK cho biết: "Trên các phương tiện đại chúng tôi thấy quy trình xử lý tiêu hủy heo bệnh kỹ lắm mà sao họ làm rất sơ sài. Gì mà đào hố có 5 đến 6 tấc rồi mai mốt phân hủy mùi hôi thối sao chịu nổi, chưa kể là không biết có lây bệnh cho người không nữa”.
Theo ghi nhận, đến sáng 31-5, tại khu vực này, ngành chức năng vẫn đang tiến hành đào hố chôn heo chết, khu vực chôn mùi hôi thối bốc nồng nặc khó chịu.
Vị trí chôn heo chết.
Trước phản ứng của người dân, cuối buổi sáng 31-5, UBND quận Ninh Kiều đã có cuộc họp khẩn đánh giá lại quy trình kỹ thuật tiêu hủy heo chết.
Tại cuộc họp, đại diện Trạm chăn nuôi thú y liên quận Ninh Kiều – Bình Thủy, TP Cần Thơ khẳng định vị trí chôn heo chết tại KDC 923 là phù hợp với quy định.
“Trước đó ngành chức năng đã rà soát và thống nhất vị trí chôn heo bệnh tại KDC 923. Vị trí chôn là khu vực lau sậy rậm rạp, nơi đây là quỹ đất công được quy hoạch làm công viên cây xanh. Sau này nếu có thực hiện quy hoạch thì chỉ trồng thảm cỏ cây xanh lên chứ không có đào bới như những nơi khác. Việc chôn đảm bảo về khoảng cách theo quy định, cách nhà dân hơn 100m. Ngành chức năng cũng đã gửi mẫu đi cho cơ quan thú y vùng VII xét nghiệm”, đại diện ngành thú y khẳng định.
Đại diện Trạm chăn nuôi thú y liên quận Ninh Kiều – Bình Thủy, TP Cần Thơ khẳng định vị trí chôn heo trong KDC 923 là phù hợp.
Theo đó, tại khu vực này ngành chức năng đã tiến hành chôn bốn con heo chết (tổng trọng lượng khoảng 160kg).
Trước phản ánh của người dân về kỹ thuật chôn thì ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết sẽ cho kiểm tra rà soát lại, sai thì phải khắc phục và quy trách nhiệm.
“Quy trình chôn theo quy định phải có máy móc cuốc lên đàng hoàng, sử dụng bao cao su để quấn lại đảm bảo vệ sinh vì việc xử lý này còn ảnh hưởng môi trường về sau chứ không chỉ là hiện tại. Còn về vị trí chôn ở trên là đúng quy định tuy nhiên chưa hợp lòng dân. Trong chiều nay, UBND quận sẽ cùng các ngành liên quan đến hiện trường để khảo sát lại, đồng thời sẽ xin ý kiến thành phố về vị trí chôn lấp heo bệnh”, ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, do Ninh Kiều không còn quỹ đất công nên quận đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên môi trường và Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn giao một trong ba phần đất (khoảng 300m2) để làm vị trí chôn lấp tiêu hủy heo bệnh là phần đất cạnh trường Đại học FPT, phần đất đối diện trường hoặc phần đất cạnh VKSND thành phố.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN & PTNT thành phố Cần Thơ cho biết tính đến ngày 28-5, trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ đã xuất hiện 11 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 6 xã phường của ba quận. Tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 600 con.