Phải xác định rõ thẩm quyền điều tra của VKS

Theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Kiểm tra văn bản Sở Tư pháp TP.HCM), dự thảo luật bổ sung thêm thẩm quyền điều tra của VKS nhưng lại chung chung là “tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật khi cần thiết”. Ông Lưu nhận xét giao thêm quyền điều tra cho VKS là phù hợp với cải cách tư pháp. Tuy nhiên, cần xác định phạm vi cụ thể về thẩm quyền điều tra của VKS và các cơ quan khác để đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước.

“Quyền lực thì không thể tùy nghi được. Nếu tùy nghi như trên thì VKS rất dễ lạm quyền. Bởi hiện nay quyết định tố tụng của VKS không chịu sự điều chỉnh, kiểm sát của bất cứ cơ quan nào hay bị khởi kiện hành chính, cùng lắm thì chỉ bị khiếu nại đến VKS cấp trên. Do đó, mở rộng thẩm quyền cho VKS thì cũng phải xem xét kiểm soát thẩm quyền đó” - ông Lưu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ cách gọi KSV sơ cấp, trung cấp, cao cấp (tương ứng với cơ quan công tác là VKS cấp huyện, VKS cấp tỉnh, VKSND Tối cao) mà chỉ cần gọi chung là KSV.

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc gọi “KSV sơ cấp” nghe rất phản cảm, khiến các KSV cũng có phần ái ngại. Đồng tình, ông Nguyễn Bé Tư (Phó Viện trưởng VKS quận Bình Thạnh) nói: “Chẳng lẽ làm cấp quận, huyện cả đời thì mang tiếng là sơ cấp cả đời, nghe rất vô lý”. Ông Lê Minh Trí (Phó Viện trưởng VKS huyện Hóc Môn) cũng chia sẻ: “Hơn 20 năm đồng hành cùng nghề, bản thân tôi vẫn chỉ là KSV sơ cấp”. Ông Trương Lâm Danh (Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM) đồng cảm: “Nên có một quy chuẩn hoặc điều kiện cụ thể để xác định như thế nào là KSV sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Không nên mặc định cứ cấp quận, huyện thì là sơ cấp. Như vậy là chưa phù hợp, không công bằng”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng không nên thành lập VKSND khu vực. Theo các ý kiến này, trong quá trình thực hiện chức năng của mình, phần lớn công việc của VKS đòi hỏi phải có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án. Trong khi các cơ quan này giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với đơn vị hành chính như hiện nay thì việc VKS thay đổi theo cấp khu vực chẳng khác nào làm khó các cơ quan còn lại. Hơn nữa, tổ chức VKS cấp quận, huyện về cơ bản sẽ tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra hơn.

Ông Lê Văn Mến (Phó Viện trưởng VKSND quận 6) nói: “Nếu thay đổi theo khu vực thì một thời gian công an, cơ quan thi hành án cũng buộc phải thay đổi để phù hợp với cơ cấu của VKS. Như vậy là không cần thiết”.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm