Sáng nay (14-6), Quốc hội đã bấm bút thông qua dự thảo Luật Thi hành án hình sự, với tỉ lệ phiếu tán thành 91,53%.
Liên quan đến quyền, nghĩa vụ cụ thể của các phạm nhân, Luật vừa thông qua quy định phạm nhân có 10 nhóm quyền.
Kết quả bấm nút thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị ngoài quy định các quyền, nghĩa vụ cụ thể của phạm nhân thì cần có quy định mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ phạm nhân”.
Tuy nhiên, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức xin ý kiến ĐBQH, đa số ý kiến tán thánh với phương án phạm nhân chỉ được hưởng các quyền quy định trong Luật này.
Trong 10 nhóm quyền, phạm nhân được hưởng các quyền cơ bản như quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền…
Luật cũng quy định phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định; được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, phạm nhân còn có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận liên quan đến đề xuất cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân. Theo đó, doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này. Kết quả xin ý kiến chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50% tổng số ĐBQH) nên nội dung này chưa được quy định trong dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định tại Chương IV về thi hành án tử hình, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm án tử hình, để khắc phục tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình quá lâu.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xem xét đơn xin ân giảm án tử hình không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự.
Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định giao Hội đồng thi hành án tử hình thẩm quyền xem xét việc cho nhận tử thi người bị thi hành án tử hình và giao TAND Tối cao hướng dẫn vấn đề này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật hiện hành giao Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình xem xét, quyết định việc cho nhận tử thi người bị thi hành án tử hình.
“Thực tiễn thi hành quy định này nhiều năm qua cho thấy không có vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.