Trong tuần qua, bài viết “Từ 25-3: TP.HCM quyết liệt xử lý vấn nạn tiếng ồn” nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Theo đó, các địa phương trên địa bàn TP sẽ bắt đầu tăng cường tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn từ ngày 25-3 đến 30-6.
TP giao cho Sở TT&TT chủ trì vận hành cổng thông tin 1022 (cổng 1022) tiếp nhận các phản ánh vi phạm về tiếng ồn, chuyển đến các cơ quan có chức năng để phối hợp xử lý. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi khi phát hiện vi phạm tiếng ồn thì người dân sẽ phản ánh như thế nào, cổng 1022 sẽ tiếp nhận và xử lý tin báo ra sao.
Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM.
Các tổng đài viên của cổng thông tin 1022 đang tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân TP. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Thông tin sẽ được chuyển đến lãnh đạo quận, huyện
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay cổng thông tin 1022 của TP tiếp nhận những phản ánh nào của người dân? Ngoài cổng thông tin 1022, người dân có thể phản ánh thông tin qua những kênh thông tin nào?
Ông Lê Quốc Cường
+ Ông Lê Quốc Cường: Cổng 1022 dùng để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đối với chính quyền TP. Với sự ra đời của cổng 1022, TP mong muốn có một cổng duy nhất thông qua một đầu số ngắn gọn để người dân có thể phản ánh mọi vấn đề liên quan đến công việc, đời sống của mình.
Người dân có thể gọi qua tổng đài 1022, nhắn tin qua Mobile App 1022, gửi thông tin qua cổng thông tin điện tử https://1022.tphcm.gov.vn. Người dân có thể dùng Facebook của mình để truy cập vào fanpage 1022 tại địa chỉ FB/1022.tphcm.gov.vn và thực hiện nhắn tin phản ánh hoặc gửi qua email 1022@tphcm.gov.vn.
Mọi thông tin phản ánh người dân có thể gửi bằng hình ảnh, bằng lời nói hoặc bằng chữ… Người dân có thể đính kèm những hình ảnh để phục vụ tốt cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin của các cơ quan chức năng.
. Quy trình tiếp nhận thông tin từ tin báo của người dân về vi phạm tiếng ồn sẽ được xử lý như thế nào?
+ Khi đưa vào vận hành cổng 1022, TP đã ban hành một quy chế về tiếp nhận và xử lý thông tin. Theo đó, khi thông tin của người dân được gửi đến cổng 1022, tổng đài viên sẽ tiếp nhận và chuyển đến đầu mối là lãnh đạo các quận, huyện liên quan.
Người tiếp nhận thông tin sẽ chuyển tới các phường, xã có thông tin phản ánh. Đối với các lĩnh vực hạ tầng thì thông tin sẽ được chuyển tới các đơn vị quản lý hạ tầng… Sau khi các đơn vị tiếp nhận và xử lý thông tin xong thì sẽ báo kết quả xử lý về tổng đài.
Theo Quyết định 1478 của UBND TP, quy định về quy trình phối hợp tiếp nhận và phản hồi kết quả xử lý thông tin trong cổng 1022, trong vòng năm ngày kể từ khi tiếp nhận thông tin, các đơn vị xử lý phải có trách nhiệm phản hồi đầy đủ về thời điểm và kết quả xử lý qua cổng thông tin 1022.
Trong năm 2020, cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận 37.898 vụ việc mà người dân phản ánh. Từ ngày 1-1 đến 26-3-2021, cổng thông tin 1022 tiếp nhận 6.290 vụ việc người dân phản ánh đến. (Theo Sở TT&TT) |
Thông tin cá nhân người báo tin được bảo mật
. Sau khi trình báo qua cổng 1022, người dân có được xem kết quả xử lý thông tin đã phản ánh? Ngoài ra, những thông tin cá nhân của người phản ánh có được bảo mật?
+ Liên quan đến việc nhận kết quả những phản ánh của người dân báo, trong hệ thống cổng 1022 luôn có mục kết quả xử lý. Theo đó, người dân có thể truy cập vào trang web của cổng 1022 để biết kết quả thông tin của mình báo được xử lý như thế nào. Hoặc tổng đài sẽ gửi kết quả xử lý thông qua tin nhắn điện thoại cho người dân.
Theo quy chế của cổng 1022, thông tin của người dân phải được bảo mật. Dĩ nhiên, khi tổng đài viên tiếp nhận thông tin thì cũng cần có những thông tin của người phản ánh để có thể liên hệ lại nắm thêm thông tin. Theo quy chế, những người tiếp nhận phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
. Đối với những cá nhân phản ánh thông tin không có thật nhằm mục đích quấy rối thì sẽ bị xử lý như thế nào? Bên cạnh đó, nếu có người dân gửi nhiều thông tin mang tính góp ý, xây dựng thì sẽ được khuyến khích ra sao?
+ Đây là cổng thông tin để hỗ trợ thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực 24/7. Do đó, chúng tôi mong muốn mọi người sử dụng cổng 1022 hãy trân trọng và giữ gìn kênh này. Không nên có những hành động quấy rối.
Tuy nhiên, nếu xử lý những hành động quấy rối, đầu tiên chúng tôi có thể chặn số điện thoại của người quấy rối. Đồng thời dựa vào những quy định về xử phạt vi phạm hành chính để tiến hành xử lý.
Hiện nay, Sở TT&TT đang phối hợp với Sở Nội vụ TP để hằng năm tổng kết sẽ có tuyên dương, khen thưởng những đóng góp của các cá nhân, tổ chức đã phản ánh những thông tin kịp thời, chính xác hoặc có những hiến kế góp ý hữu ích cho TP.
. Xin cám ơn ông.•
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam - Trong tuần, bài viết “Mưu đồ đằng sau 220 tàu cá Trung Quốc ở Trường Sa” cũng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Liên quan đến sự xuất hiện của hơn 220 tàu dân quân Trung Quốc (TQ) tại đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam yêu cầu TQ chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. - Ngày 26-3, Bộ Y tế công bố hai bệnh nhân COVID-19 là người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc vào ngày 22-3, cũng là thông tin nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng là hiện hữu. - Về sự kiện thể thao trong tuần, người hâm mộ đã chứng kiến pha bóng hãi hùng của Ngô Hoàng Thịnh (CLB TP.HCM) làm gãy chân tuyển thủ quốc gia Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội) trên sân Thống Nhất. Qua sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về công tác giáo dục cầu thủ chuyên nghiệp lâu nay còn bị bỏ ngỏ. VÕ PHẠM |