Đó là thông tin tại Hội thảo Phát triển chiến lược phân bón hữu cơ và phổ biến Nghị định 108/2017 của Chính phủ do Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 13-10.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam ước khoảng 11 triệu tấn các loại. Hiện cả nước có 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động.
Đáng chú ý số lượng sản phẩm phân bón đã công bố hợp quy tính đến tháng 1-2017 mới chỉ hơn 6.000 sản phẩm (trong đó có gần 5.700 phân bón vô cơ do Bộ Công Thương tổng hợp và công bố, 377 phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ NN&PTNT tổng hợp và công bố).
Thế nhưng chỉ sau 8 tháng, tính đến thời điểm hiện tại sau khi tiếp nhận bàn giao từ Bộ Công Thương thì số lượng sản phẩm phân bón công bố hợp quy đã tăng lên gần 14.200 sản phẩm, gấp gần 2,5 lần so với thời điểm tháng 1-2017.
Theo ông Thúy, số lượng sản phẩm phân bón của Việt Nam là quá lớn, đặc biệt “đẻ” quá nhanh trong một thời gian ngắn, công tác quản lý không đủ sức để kiểm soát.
Trong khi số lượng sản phẩm phân bón trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 1.000 sản phẩm, tính ra số lượng sản phẩm phân bón Việt Nam gấp hơn 14 lần các nước ASEAN.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp phân bón phản ánh những tồn tại thị trường phân bón trong thời gian qua, cụ thể trước thời điểm chưa có Nghị định 108/NĐ-CP, công tác quản lý phân bón được giao cho 2 cơ quan là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT.
Việc này đã gây ra sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, một đơn vị chịu sự quản lý của 2 cơ quan dẫn tới gây tốn kém và phiền hà cho các doanh nghiệp.
Nhiều sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt; việc đăng ký và công bố chất lượng chưa phù hợp với mục đích sử dụng của phân bón, các loại phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường không kiểm soát được, gây tổn thất cho nền kinh tế, bức xúc trong xã hội.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, điểm mới của Nghị định 108/2017/NĐ-CP là thống nhất một đầu mối quản lý phân bón là Bộ NN&PTNT. Đồng thời thay đổi phương thức quản lý theo hướng quản lý chặt chẽ để giảm tối đa việc sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng... tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp làm ăn bài bản, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế quản lý chặt nhập khẩu phân bón, có chế tài xử phạt thật nặng các đơn vị sản xuất phân bón giả, nhái kém chất lượng, nhất là những đơn vị gây ô nhiễm môi trường.
Cũng cần quy định trong luật về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp sản xuất phân bón giả, nhái, gây ô nhiễm môi trường.