Phân cấp quản lý phân bón cho địa phương; dẹp nạn sản xuất phân bón theo công nghệ thô sơ; phải có phòng khảo nghiệm để kiểm tra chất lượng đầu vào và đầu ra… đó là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức tại TP.HCM.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Nghị định 202/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, trong ba năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.
Tính đến thời điểm 1-1-2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng trên thực tế có khoảng 10.000 sản phẩm. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng không kiểm soát được chất lượng trở nên khá phổ biến…
Theo dự thảo nghị định sẽ quy định về quản lý phân bón, bao gồm từ việc đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất cho đến đóng gói, buôn bán, xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng, sử dụng phân bón.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết sản xuất bắt buộc phải có phòng thử nghiệm cần xem xét lại vì không cần thiết, tốn kém cho doanh nghiệp, hơn nữa kết quả thử nghiệm phải do đơn vị thử nghiệm độc lập hoặc cơ quan chức năng mới được công nhận.
Theo doanh nghiệp chỉ nên quy định có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng đối với sản phẩm phân bón được sản xuất ra và đánh giá tác động về môi trường.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng luôn, không cần thêm thông tư hướng dẫn. Doanh nghiệp sẽ có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện theo đúng nghị định mới. MINH LONG