Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đã có sáu cơ quan khẳng định có những dấu hiệu cho thấy Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã thống nhất là “Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” và chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, sau đó việc xử lý Công ty Thuận Phong chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Không đủ chất chính
Cho tới Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 6-2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới khẳng định trước Quốc hội rằng đã phục hồi điều tra việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Sau đó, VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án.
Liên quan đến cách xác định tỉ lệ thành phần chất định lượng chính và thành phần chính trong phân bón Thuận Phong, ông Bình cho hay: “Tôi đã chỉ đạo cho kiểm tra lại, tiến hành trưng cầu ý kiến các bộ để đi đến thống nhất đánh giá, giải thích thông tư về chất chính và thành phần chính. Trên cơ sở đánh giá sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong không đủ chất chính, các cơ quan chức năng đã đi đến kết luận là phân bón giả”.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết: Thông báo về kết quả giám định (lần một) của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (QUATEST3) cho thấy kết quả 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố theo kết quả giám định chất lượng các mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong sản xuất. Trong đó có một số mẫu có mức độ chỉ tiêu sai số dưới 70% so với công bố. Ví dụ như loại phân bón vi lượng kẽm (Zn) ghi trên bao bì là 15.000 ppm, kết quả giám định 1.310 ppm (giả về chất lượng chưa tới 10%).
Theo ông Hùng, Điều 13 Nghị định 89/2006 quy định về nhãn hàng hóa có nêu: “Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hóa”.
Cơ quan chức năng kiểm tra Công ty Thuận Phong vào tháng 4-2015. Ảnh: TL
đặc tính kỹ thuật dưới 70% so với công bố
Ngoài ra, điểm a khoản 2 mục II Thông tư số 09/2007 của Bộ KH&CN hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2006 nêu rõ: “Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 89”. Cụ thể là: “Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỉ lệ: khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích”.
Theo đó, phân bón có tên là phân bón vi lượng kẽm thì chất chính phải là kẽm hoặc phân bón vi lượng bo thì chất chính phải là bo; thành phần bo và kẽm là đặc tính kỹ thuật cơ bản của loại hàng hóa đó.
Như vậy, với kết quả giám định 19/29 loại phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất có mức chỉ tiêu sai số chất chính, đặc tính kỹ thuật cơ bản dưới 70% so với công bố thì gọi số phân bón này là hàng giả.
Từ đây, ông Trần Hùng cho rằng số phân bón của Công ty Thuận Phong là phân bón giả (theo quy định của khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013). “Hành vi của Công ty Thuận Phong đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, kinh doanh phân bón giả theo quy định tại Điều 158 BLHS” - ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng cho rằng: Thuận Phong gắn nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ phân bón Mỹ nhập khẩu lên các sản phẩm là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp số lượng lớn, có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 158 BLHS 1999... Trong một diễn tiến liên quan, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý nghiêm các sai phạm của Thuận Phong. |